Thành phố Thái Nguyên: Hướng tới thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố
(Xây dựng) – Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút hoàn thiện phương án sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Thu phí lòng đường, hè phố theo quy hoạch sẽ giúp quản lý đô thị văn minh, mỹ quan hơn. |
Trong những năm gần đây, đường phố trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp, cảnh quan đô thị ngày càng văn minh hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng đỗ xe, kinh doanh dịch vụ, bày bán hàng hóa vi phạm vỉa hè, lòng đường diễn ra rất phức tạp, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, mở các đợt cao điểm để xử lý, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng tái lấn chiếm ngay sau giải tỏa do chưa đảm bảo lực lượng để duy trì kiểm tra, xử lý thường xuyên như đường Bến Oánh, Bến Tượng, Đội Cấn…
Trong khi đó, nhu cầu về kinh doanh, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, dừng đỗ xe của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên vỉa hè các tuyến đường tại các khu đô thị là rất lớn…
Khảo sát thực tế hoạt động sử dụng lòng đường, vỉa hè tại thành phố Thái Nguyên thời gian gần đây cho thấy nhiều bất cập. Việc những “nông dân thành phố” phải “cày” trên vỉa hè, đường phố thay vì đồng ruộng xưa nay là một “cực hình” không mấy ai muốn bởi nắng, bởi gió, bởi bụi bặm, bởi những lời không hay từ người mua chê bai hàng hóa, giá cả. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước vì muốn đô thị văn minh, sạch đẹp cũng không cho phép họ có mặt. Thế là cuộc rượt đuổi của nhà chức trách mà đại diện là tổ, đội trật tự với “nông dân thành phố” thường xuyên xảy ra. Không ít người đã mất cả vốn liếng lẫn hàng hóa dù đó chỉ là chiếc xe đạp cà tang là thúng rau muống, rổ rau cải hay thùng hoa quả…
Vậy nhưng, khi đại diện nhà chức trách di chuyển sang địa bàn khác cũng là lúc những “nông dân thành phố” lại xuất hiện trở lại với khuôn mặt dớn dác hơn, đảo điên hơn… khiến việc dọn dẹp của lực lượng chức năng trong bảo vệ mỹ quan đô thị không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. Để từ đây, bắt đầu xuất hiện những vấn đề tiêu cực từ những cuộc trao đổi, bảo kê thông tin. Các cuộc rượt đuổi ít đi và nếu có thì cũng trở thành hình thức vì chỉ có thể thu hàng hóa của những “nông dân thành phố” không nộp tiền tháng, tiền quý. Cấp trên kiểm tra nếu không phải là những cuộc vi hành bất thường thì luôn thấy phố phường sạch đẹp, vỉa hè phong quang…
Nhưng, cuộc sống vấn phải là cuộc sống. Những “nông dân thành phố” vẫn phải “cày” bởi đó vẫn có thể là nguồn thu chính cho những lao động không biết làm gì hơn chốn thành thị; đó cũng là nhu cầu cần phục vụ của những cán bộ, công chức, lao động bởi sự tiện lợi và giá rẻ.
Ở một góc độ khác, chính những quán hàng rong, nhỏ lẻ của những “nông dân thành phố” đã và đang tạo nên bản sắc văn hóa của địa phương, quảng bá cho những nông sản đặc trưng mà “trà đá, trà nóng” là một ví dụ điển hình. Nắm bắt được nhu cầu và sự vận động tất yếu của cuộc sống ấy, những nhà làm quản lý tại thành phố Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra giải pháp là “quản” hàng bán vỉa hè bằng chính sách thu phí và cho phép bán tại những địa điểm nhất định.
Mới nhất, ngày 21/01/2021 ông trịnh Việt Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 quy định tổ chức thực hiện mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, ngày 6/12/2010, ông Phạm Xuân Đương ký Quyết định ban hành về quản lý và khai thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trong các đô thị và các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên số 40/2010/QĐ-UBND; ngày 24/12/2014 ông Dương Ngọc Long ký Quyết định phê duyệt danh mục đường, phố được phép tổ chức điểm đỗ xe trên vỉa hè số 3010/QĐ-UBND; ngày 8/12/2016 ông Bùi Xuân Hòa ký Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phí và lệ phí; ngày 20/12/2016 ông Vũ Hồng Bắc ký quyết định phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên số 40/2016/QĐ-UBND quy định tổ chức thực hiện mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố số 48/2016/QĐ-UBND…
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Thái Nguyên đã ban hành quy định vị trí lòng đường, hè phố làm cơ sở thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện mang lại hiệu quả chưa cao, chưa đi vào nền nếp, chủ yếu chỉ thu phí nhỏ lẻ cho việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích tập kết vật liệu xây dựng, tổ chức chợ hoa, chợ tết, hội chợ…
Những người không ủng hộ thì cho rằng đây là cách hợp thức vi phạm lòng lề đường, nhưng những ai hiểu biết và có tâm, có tầm với sự phát triển đô thị, văn minh đường phố thì đều đồng quan điểm. Giải pháp thu phí và quản lý theo quy hoạch không những giúp người bán hàng vỉa hè an cư trong kinh doanh nhỏ lẻ, kiếm sống qua ngày, không phải chạy tán loạn mỗi khi lực lượng chức năng tới; mà còn đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và có thêm nguồn thu cho ngân sách…
Lợi ích là thế, nhưng không hiểu lý do vì nhiều lý do nhiều năm nay các quyết định, chính sách, quy định đã được ban hành… vẫn chỉ nằm trên giấy!
Chính vì thế, việc thành phố Thái Nguyên gấp rút hoàn thiện phương án sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn khiến dư luận quan tâm nhiều hơn về tính khả thi của nó. Bởi, nếu làm được, không những giúp Thái Nguyên tổ chức, quản lý lòng đường, hè phố tốt hơn, có đô thị mỹ quan hơn mà còn có được nguồn thu để từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của Đội quản lý trật tự xây dựng và giao thông; đồng thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho những người lao động.
Nguồn: Báo xây dựng