Thành phố Hòa Bình: Nhiều bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt
Thành phố Hòa Bình: Nhiều bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt
Thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) và những tồn tại, phát sinh liên quan chất thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có TP Hòa Bình.
Thực tế, mặc dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm và còn nhiều bất cập.
Thành phố Hòa Bình phải vận chuyển rác thải với khoảng cách trên 80km về Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy để xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Trên địa bàn TP Hòa Bình, trung bình hàng ngày phát sinh khoảng 80 – 85 tấn RTSH. Việc thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn thành phố được giao cho Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình thực hiện. Thời gian gần đây, toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày được vận chuyển về xử lý bằng phương pháp đốt tại Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), cách TP Hòa Bình trên 80 km.
Đại diện Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình cho biết, công tác thu gom, xử lý RTSH trên địa bàn TP Hòa Bình gặp nhiều vấn đề, như chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất nên chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Chưa có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong công tác thu gom, xử lý rác. Việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Do vậy, các hộ dân, hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, thải bỏ không đúng cách và bỏ rác nhiều lần vào tất cả các giờ trong ngày theo thói quen sinh hoạt. Thậm chí, một số đối tượng đã có hành vi đổ trộm, tập kết rác thải cồng kềnh, rác thải xây dựng bừa bãi… gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông. Những vi phạm về vứt rác thải bừa bãi không được nhắc nhở, xử phạt nghiêm.
Ông Nguyễn Văn Bốn ở phường Trung Minh phàn nàn: Đa số dân cư trong phường nằm dọc quốc lộ 6 với chiều dài hơn 3 km, do không có thùng chứa rác công cộng nên nhiều năm qua, trên địa bàn phường hình thành các điểm tập kết rác tự phát gây mất mỹ quan đường phố.
Bà Lưu Thu Hằng, tổ 6, phường Quỳnh Lâm cho rằng, chính quyền và các ngành chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Phải có quy định rõ ràng về việc phân loại rác thải; đầu tư hệ thống hạ tầng đầy đủ để phân loại được rác ở nơi công cộng cũng như tại hộ gia đình, đồng thời có các loại phương tiện để vận chuyển những loại rác khác nhau; việc tính phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện KT-XH, phù hợp với luật giá theo hướng tính đúng, tính đủ, nguyên tắc người phát thải phải chi trả từ khi phát thải đến khâu xử lý cuối cùng; đưa việc bảo đảm vệ sinh môi trường, xử phạt vào tiêu chí thi đua hàng năm của các tổ dân phố, phường, xã, huyện; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc xử phạt; đa dạng hóa thiết bị giám sát hình ảnh, thông tin tiếp nhận hình ảnh vi phạm…
Từ thực tế trên cho thấy, những bất cập trong việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ khó khăn trong thu gom, xử lý mà còn gây lãng phí, vì không chỉ rác thải hữu cơ và rác thải rắn đều không được tận dụng để tái chế. Bởi vậy, giải bài toán thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn TP Hòa Bình có thể coi là vấn đề cấp bách hiện nay.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững thì không chỉ nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, mà cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để việc thu gom, xử lý chất thải đạt hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị