Thành phố Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế; trong đó không ngừng củng cố về mọi mặt để tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế
Tàu metro số 1 rời ga Bình Thái trong buổi chạy thử nghiệm. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Bước vào năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài theo tiêu chí phù hợp với điều kiện mới; hoàn thành việc quy hoạch, tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị.

Với các mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế; trong đó không ngừng củng cố về mọi mặt để tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nền tảng vững chắc

Năm 2022, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới vượt ra ngoài dự báo đầu năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế-xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện.

Theo đánh giá chung của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, kinh tế thành phố hồi nhanh, đồng bộ và khá toàn diện; đã triển khai thực hiện hiệu quả Giai đoạn 1 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, các biện pháp y tế chiến lược được tăng cường.

Cụ thể, quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2022 là 6-6,5%).

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% dự toán và tăng 23,6% so với năm 2021. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 so với năm trước giảm 1,0%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 (năm 2021 so với năm trước giảm 1,0% tăng 12,95).

Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, thành phố đã khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay được đổi tên là cầu Ba Son), hoàn thành các thủ tục khởi công dự án Vành đai 3 và nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng.

Triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc cải cách hành chính được quan tâm thực hiện. Hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ: Về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất trình và được Quốc hội cho phép thành phố kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP, ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đến khi có nghị quyết mới; xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, dự kiến trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm năm 2023.

Để đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay từ đầu năm 2022, trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Trung ương, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ, phân công cụ thể các đơn vị thực hiện.

Trong quá trình triển khai, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương, các địa phương trong cả nước; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đến nay có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực.

Giữ vững đà tăng trưởng

Dự báo nền kinh tế trong nước, cũng như trên địa bàn thành phố sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng.

Thành phố Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Công Phong.TTXVN)

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đề ra các mục tiêu, nhóm giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì đà tăng tưởng kinh tế, tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế cả nước.

Thông tin về những mục tiêu trong năm 2023 của thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” với 17 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế.

Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5%-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên…

Trong năm 2023, thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện 49 chương trình, đề án và sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040; Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cũng tiến hành xây dựng tiêu chí thu hút FDI, đề án huy động đầu tư xã hội; chính sách phát huy kiều hối và định hướng dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, thành phố triển khai kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công; kế hoạch bán đấu giá nhà đất công, đề án khai thác quỹ đất dọc metro, dọc Vành đai 3…

“Tất cả những đề án này là cơ chế, tạo kênh để huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đạt mục tiêu tổng đầu tư xã hội đạt 35%,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng; phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao; hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển logistics, thúc đẩy đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch thông minh.

Về kết nối hạn tầng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm…

Để đạt mục tiêu đặt ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công; tăng cường quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bổ sung vốn cho đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, cải thiện môi trường.

Tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng cấp bách của thành phố, trước hết là đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh 3 quy hoạch Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040; Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn; tập trung khai thác tiềm năng chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công viên cây xanh, chống ngập và xử lý nước thải, quy hoạch xử lý chất thải rắn.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố đạt khoảng 86% tổng số vốn giao.

Kết quả này tuy chưa đạt được như kỳ vọng với các nỗ lực và giải pháp quyết liệt của thành phố đã triển khai nhưng so với năm 2021 thì số vốn đã giải ngân trong năm 2022 cao hơn gấp 1,6 lần năm 2021 (năm 2022 là 32.218,759 tỷ đồng, năm 2021 là 19.721,157 tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân tăng 24,9% so với năm 2021 (năm 2022 tỷ lệ 80%, năm 2021 tỷ lệ 61,1%).

Thành phố Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế
Cầu Thủ Thiêm 2. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Kết quả trên là một điểm tích cực, tiền đề để thành phố quản lý và điều hành Kế hoạch đầu tư công năm 2023 hiệu quả hơn kể từ khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các tác động của xung đột chính trị các nước trên thế giới.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2023, thành phố quyết tâm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội); trong đó có đề xuất nhiều cơ chế mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả đầu tư công và xã hội hóa đầu tư.

Cụ thể như cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển, qua đó phân bổ cho các dự án đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế; cho phép thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

Cùng với vấn đề về cơ chế, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp như tiếp tục ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đó là cụ thể hóa các nhiệm vụ mang tính đặc thù của công tác quản lý, điều hành và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời hạn chế tối đa việc vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm; đồng thời duy trì đều đặn việc thực hiện giao ban giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng tháng, thực hiện linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư.

Về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả các dự án đã có trong danh mục dự án của kế hoạch trung hạn và đã đủ điều kiện bố trí hằng năm, làm cơ sở để các chủ đầu tư và các sở, ngành hoàn thành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện chi trả cho người dân.

Việc hoàn tất bồi thường trong năm 2023 không chỉ có ý nghĩa về kết quả giải ngân, mà còn là nền tảng để các dự án xây lắp có thể triển khai và hoàn thành trong năm 2024 và năm 2025 nhằm hoàn thành kế hoạch trung hạn đã đề ra.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, qua 2 năm triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh thành phố cần tận dụng tối đa tiềm lực về vốn đầu tư công để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, thành phố đã thực hiện rà soát lại các nguồn lực, nguồn thu hợp pháp của thành phố để kiến nghị nâng trần đầu tư công trung hạn 2023-2025 cho thành phố thông qua việc huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp của thành phố gồm nguồn thu từ thuế, thu phí, lệ phí, nguồn thu từ sử dụng đất, bán đấu giá tài sản công và đặc biệt là nguồn thu từ thu phí cảng biển được thành phố bắt đầu áp dụng từ tháng 4/2022…

Với định hướng và các giải pháp nêu trên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng, mức vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố được kỳ vọng phân bổ trong năm 2023 là hơn 70.000 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với mức vốn đầu tư công được thành phố đã triển khai trong năm 2022.

Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được thực hiện giải ngân có hiệu quả, cao hơn nhiều lần về giá trị tuyệt đối và cải thiện hơn về tỷ lệ giải ngân vốn so với năm 2022. Nguồn vốn đầu tư công của thành phố sẽ phát huy hiệu quả vai trò là động lực giúp thành phố phát triển, dẫn dắt, thu hút và tăng trưởng mọi nguồn lực đầu tư trong xã hội.

Tập trung đẩy mạnh các công trình, dự án trọng điểm

Năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục các công trình, dự án giao thông với 29 dự án với tổng mức đầu tư hơn 243.000 tỷ đồng, với nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách thành phố, PPP, ODA.

Thành phố Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế
Các phương tiện đưa đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng rất cao. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đây là các công trình có tính chiến lược, quan trọng nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo từng giai đoạn trong thời gian tới.

Trong đó, trên địa bàn thành phố có 5 dự án, công trình với tổng mức đầu tư gần 145.000 tỷ đồng, thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành-Suối Tiên; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành-Tham Lương; dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quôc Hoàn-đường Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3-cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư 2 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 48.022 tỷ đồng (dự án thành phần 1: 22.412 tỷ đồng, dự án thành phần 2: 25.610 tỷ đồng).

Đến nay các dự án thành phần 1, 2 cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ phê duyệt. Ủy ban Nhân dân thành phố đã phê duyệt 2 dự án thành phần vào ngày 6/12/2022. Đây là pháp lý rất quan trọng của dự án, là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2023.

Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên hiện đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị với tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 93,07%; đang triển khai các gói thầu còn lại như gói thầu Xây dựng văn phòng Công ty O&M, xây dựng cầu bộ hành các nhà ga trên cao; tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống…

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành-Tham Lương hiện giải phóng mặt bằng đến nay đạt 85,67%; chủ đầu tư đang phối hợp các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng kinh phí đầu tư 4.848 tỷ đồng đã được khởi công cuối tháng 12/2022 vừa qua, dự kiến thi công hoàn thành công trình, đưa vào khai thác vào tháng 8/2024.

Cùng với các dự án trọng điểm trên, ông Trần Quang Lâm, cho biết, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, triển khai các dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên…

Đây là những dự án mang tính kết nối vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như kết nối các quận huyện ngoại thành với trung tâm thành phố.

Xác định các giải pháp để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố chủ động phối hợp hiệu quả với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai; cùng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến chính quyền cấp cơ sở. thành phố xác định chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) phải được rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng ngay từ đầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng; xác định hướng tuyến, quy mô công trình, quy mô giải phóng mặt bằng và các cơ chế chính sách triển khai dự án.

Từ kinh nghiệm Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án kiểu mẫu trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai chi tiết thực hiện dự án; trong đó đã cụ thể hóa các đầu việc từ khi có chủ trương đầu tư dự án đến thời điểm công trình đưa vào khai thác, sử dụng với tiến độ, trách nhiệm cơ quan chủ trì, phối hợp rõ ràng.

Đây là cơ sở để kiểm soát tiến độ, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát. Do đó, trong thời gian tới, các dự án chuẩn bị triển khai cần nghiên cứu áp dụng.

Nhấn mạnh đến việc phải đặc biệt quan tâm việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở Giao thông Vận tải thành phố cho rằng, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án.

Việc này cần được quan tâm từ sớm, ngay từ bước chuẩn bị dự án. Bài học từ dự án đường Vành đai 3 đang triển khai; việc rà soát, thống kê, kiểm kê, thu thập pháp lý, xác định nguồn gốc đất cần được triển khai ngay sau khi dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo và quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích