Thành phố Hồ Chí Minh: Quy hoạch cần phát huy tiềm năng và lợi thế đô thị ven sông
(Xây dựng) – Việc Thành phố Hồ Chí Minh phát huy được tiềm năng và lợi thế đô thị ven sông sẽ giúp phát triển kinh tế, du lịch, phục vụ cộng đồng, PGS.TS. Đỗ Tú Lan – nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã đề xuất như vậy trong Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Điều chỉnh quy hoạch lần này, thành phố cần nghiên cứu và tận dụng lợi thế đó để phát triển.
Sông Sài Gòn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ngày 12/9, tại Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của hệ thống sông, kênh rạch tại thành phố này.
PGS.TS. Đỗ Tú Lan – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là một nơi có nhiều hệ thống kênh rạch tự nhiên, nhiều sông, cho nên trong quá trình điều chỉnh quy hoạch lần này cần nghiên cứu và tận dụng lợi thế để phát triển thành phố. Đồng thời, PGS.TS. Đỗ Tú Lan nhấn mạnh, thành phố cần tính toán đưa vào quy hoạch nhiều hồ điều tiết, để giải quyết ngập úng đang ngày càng gia tăng.
Cùng chung quan điểm trên, TS. Trần Ngọc Chính – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của sông Sài Gòn trong việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Theo TS. Trần Ngọc Chính, sông Sài Gòn là tài nguyên đặc biệt ít nơi có, nhưng các nghiên cứu quy hoạch để phát triển không gian đô thị ven bờ đang rất mờ nhạt. Thế nên, Thành phố Hồ Chí Minh cần quy hoạch, khai thác lợi thế nhằm phát triển kinh tế, du lịch, phục vụ cộng đồng.
Theo đó, TS. Trần Ngọc Chính dẫn chứng, tại Đà Nẵng, sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố khoảng 7km và được khai thác rất tốt, bao gồm cả không gian đô thị ven bờ cùng những cầu bắc ngang. Điều này giúp Đà Nẵng mang thương hiệu là thành phố của những cây cầu. Đồng thời, trên thế giới nhiều sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)… cũng không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng.
Theo TS. Trần Ngọc Chính, nếu quy hoạch và làm tốt, khoảng 10 đến 15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của thành phố mà sẽ nổi tiếng trên thế giới. Để làm được điều đó, TS. Trần Ngọc Chính đề nghị đơn vị tư vấn cần làm rõ các nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển không gian ven sông Sài Gòn, để thấy đây là cảnh quan đặc biệt thiên nhiên ban tặng không phải nơi nào cũng được lợi thế này.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, quy hoạch chung thành phố có từ năm 2010, đến nay nhiều vấn đề mới phát sinh. Việc nghiên cứu điều chỉnh lần này dựa trên hai nguyên tắc gồm kế thừa những quy hoạch trước đây và cập nhật, khắc phục các khiếm khuyết, hạn chế để thành phố phát triển. Theo đó, thành phố sẽ rà soát những gì tốt cần giữ lại và phát huy cũng như những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung. Đồng thời, ông Mãi cho rằng, trong quy hoạch sắp tới thành phố sẽ xác định phương thức giao thông công cộng, không chỉ có metro mà tận dụng hệ thống kênh rạch để phát triển giao thông thủy.
Được biết, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 được Thủ tướng duyệt năm 2021, với mục tiêu gắn kết phát triển không gian đô thị của thành phố cùng khu vực xung quanh. Việc điều chỉnh quy hoạch cần đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cũng như giải quyết bất cập của đô thị lớn nhất nước, bao gồm dân số, nhà ở, hạ tầng giao thông, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu… Theo đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được lập và phê duyệt sẽ là cơ sở cho quản lý đô thị, đặc biệt xác định phương hướng phát triển không gian, các chức năng của đô thị cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới sự sáng tạo, hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng