Thành phố Hồ Chí Minh: Nhịp sống đang dần hồi sinh sau đại dịch
“Đây mới là Sài Gòn””
Người dân đổ ra đường mua sắm, phố xá đông đúc, náo nhiệt, nhiều tuyến phố xe ùn ứ trong ngày đầu của năm mới 2022. Một bạn trẻ thét lên: “Đây mới là Sài Gòn”…
Sau những “tê liệt” bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố Hồ Chí Minh đang dần “hồi sinh”. Cuộc hồi sinh bắt đầu từ trong những con hẻm nhỏ cho đến những giao lộ đông đúc, từ các lĩnh vực kinh tế cho đến đời sống xã hội…
Phố đi bộ Nguyễn Huệ hồi sinh trở lại sau đại dịch, không khí vui tươi nhộn nhịp xoá đi khung cảnh u buồn trước đó trong thời kỳ giãn cách xã hội. |
Tại Thảo Cầm Viên (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày đầu năm mới, nhiều người phải sửng sốt khi chứng kiến cảnh đông đúc trong những ngày này. Từng dòng người đổ về xếp hàng mua vé vào cổng, tạo ra khung cảnh không khác gì như đang đi trẩy hội. Đây là cảnh hiếm thấy trong năm 2021, khi phong tỏa xã hội khiến Thảo Cầm Viên như một cảnh hoang tàn.
Tại nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ… cảnh người đến tham quan, chụp hình lưu niệm đã xuất hiện trở lại. Tiếng cười nói, chào hỏi, trêu đùa… tạo ra một không khí vui tươi xoá đi không khí u ám, buồn bã mà đại dịch Covid-19 đã để lại cho thành phố năm 2021.
Không chỉ ở các điểm tham quan, du lịch mà ngay cả những ngành dịch vụ ăn uống cũng đã có dấu hiệu hồi phục lạc quan sau thời gian dài đóng cửa để thực hiện lệnh giãn cách. Đa số, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thành phố Hồ Chí Minh đều hoạt động bình thường trở lại, dù dịch bệnh vẫn còn tồn tại nhưng lượng khách đang dần phục hồi.
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, chủ một nhà hàng tại phường Bến Nghé, quận 1, cho biết, trong hai tuần trở lại đây lượng khách đã phục hồi trên 70% so với trước dịch. “Với ý thức dịch bệnh còn tồn tại nên cả chủ quán và khách hàng vẫn thực hiện các biện pháp 5K chống dịch nhưng sự sợ hãi đã lùi xa khi độ phủ vắc-xin đã đạt tỉ lệ cao. Người dân đã bắt nhịp trở lại với cuộc sống thường nhật khi dịch bệnh chưa xảy ra. Nhà hàng chúng tôi cũng đã bắt đầu hồi sinh với những kế hoạch kinh doanh trong năm mới”, anh Dũng nói.
Anh Bình, quản lý tiệm cà phê Lyon Coffee, quận Gò Vấp, cho biết, những ngày đầu thành phố mở cửa trở lại, lượng khách tới quán cũng chưa nhiều. Nhưng chỉ sau vài ngày, khi mọi người đã nắm được thông tin quán cà phê được hoạt động trở lại, thì sáng nào quán cũng hoạt động hết công suất, có lúc nhiều khách tới không có chỗ ngồi đành phải đi sang quán khác.
“Người dân thành phố Hồ Chí Minh đến với quán cà phê không chỉ để thưởng thức cà phê mà họ còn muốn tìm một không gian để chia sẻ, gặp gỡ với người thân bạn bè. Cà phê trong thời điểm này mang một giá trị tinh thần quan trọng chứ không phải là đồ uống thông thường, nó xoa dịu đi những bức bách, khó chịu cho người dân trong thời gian dài cách ly tại nhà”, anh Bình chia sẻ.
Ngoài sự phục hồi mạnh mẽ của các lĩnh vực dịch vụ, hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thành phố Hồ Chí Minh trong năm qua cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, khi vốn đầu tư từ các dự án cấp mới và điều chỉnh năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 3,74 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 14,2%. Nếu chỉ tính riêng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư thì số vốn năm 2021 đạt 1,81 tỷ USD, tăng 53,7% so với năm 2021.
Vốn đăng ký bình quân một dự án đạt 1,08 triệu USD chủ yếu tập trung ở kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông và thương nghiệp. Trong số đó, ngành kinh doanh bất động sản chiếm 31,2% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương là 214,1 triệu USD; thông tin và truyền thông chiếm 30,1%, vốn đăng ký là 206,6 triệu USD và thương nghiệp chiếm 17,9%, vốn đăng ký đạt 123,2 triệu USD.
Ngoài ra, để Thành phố có nguồn lực phục hồi kinh tế, trong năm 2022, Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hồ Chí Minh là 21%, thay vì 18% như 5 năm qua. Với tỷ lệ này, thành phố được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng. Tổng phần địa phương được hưởng theo phân cấp sẽ là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán 2021.
Đây được xem là một trong những tín hiệu vui, hỗ trợ kịp thời giúp thành phố Hồ Chí Minh sớm phục hồi kinh tế – xã hội, tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian dài bị ảnh hưởng bị đại dịch Covid-19.
Giữ vững vai trò “đầu tàu kinh tế”
Thành phố Hồ Chí Minh dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch thứ 4, nhưng với sự nỗ lực của hệ thống chính quyền và sự chung lòng của toàn dân, nhìn chung hoạt động kinh tế vẫn trụ vững và đang phục hồi.
Trong cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa X, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố đề ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2022, tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Trong giai đoạn 2, từ năm 2023-2025, Thành phố tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố.
Thảo Cầm Viên lấy lại sự đông đúc vốn có trong những ngày nghỉ lễ đầu năm, đa số người dân đều thực hiện đủ biện pháp 5k. |
Đánh giá sự phục hồi kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, cho biết tại Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025”, các biện pháp trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên. Thành phố chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp
Đồng thời, cần triển khai nhanh dự án quan trọng bị ngưng trệ như xây dựng Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố Thủ Đức, xây dựng đô thị thông minh, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp số hóa các hoạt động.
Lạc quan về khả năng phục hồi của thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) một năm của thành phố, tính từ quý IV/2021 qua năm 2022, sẽ đạt 7 – 8%. Thành phố vẫn có khả năng tăng trưởng tốt, những vấn đề đang diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh không phải ở vấn đề nội tại mà chỉ nằm ở quy định giãn cách, kết nối giữa các tỉnh thành. Do đó, khi mở cửa trở lại thì nền kinh tế thành phố sẽ tăng trở lại và tăng rất mạnh mẽ.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, Thành phố cần phải tăng thêm các tổ chức tài chính nhằm tạo điều kiện kết nối với các nguồn vốn quốc tế. Tuy nhiên, không phải là đưa vốn từ ngoài vào mà là thành lập các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, các tổ chức về dịch vụ tài chính như các trung tâm tài chính quốc tế để giúp Thành phố giữ ưu thế về nguồn lực tài chính./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô