Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều chuyển biến tích cực sau 15 ngày thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”
Lưu lượng phương tiện lưu thông giảm 85%
Cụ thể, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/8 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8, các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của thành phố.
Trong quá trình thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8, thành phố đã linh động, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi kiểm soát các phương tiện và đối tượng lưu thông, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lưu thông, nhưng vẫn phải đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Từ ngày 23/8, thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng.
Tập trung lấy mẫu cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. |
Thành phố đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa.
Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm), tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân Covid-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.
Tính đến hiện nay, nhân lực tham gia phòng chống dịch tại thành phố là trên 177.300 người, trong đó thành phố đã tiếp nhận trên 24.000 người từ các bộ ngành tăng cường, hỗ trợ.
1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân
Về công tác chăm lo an sinh xã hội, Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố trong tổng số 2 triệu túi an sinh. Chương trình SOS của Trung tâm an sinh thành phố đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng. Thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thành phố đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Công tác triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”; lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Việc triển khai thực hiện được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là nhận được chi viện, tăng cường kịp thời cả về phương tiện lẫn lực lượng của các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Bệnh viện tuyến Trung ương. Đồng thời được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ, hợp tác của người dân, thể hiện ở việc tham gia, chấp hành tốt giãn cách xã hội.
Cung ứng thực phẩm đến tay người dân. |
Hơn 6,7 triệu người đã tiêm vắc xin
Tính đến 18h ngày 6/9, có 259.055 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 258.595 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 42.029 bệnh nhân, trong đó có 3.052 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.808 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm tại thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 6/9 là 6.725.192, trong đó tổng số mũi 1 là 6.132.354, mũi 2 là 592.838, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 720.190.
Trong ngày 7/9, Trung tâm an sinh tại các kho của Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại như rau củ, xúc xích, muối, … của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, mạnh thường quân, Ban vận động tiếp nhận và phân phối quỹ Covid-19 đặt mua 570 thùng đồ bảo hộ (22,800 bộ) trị giá hơn 6,343,000,000đ.
Hàng rau củ, muối, đồ bảo hộ được phân phối đến các F0 tại các quận huyện: 4, 7, 8, 10, Tân phú, Bình Tân, Bình chánh, Tân Bình, bệnh viện Công An Thành phố, bệnh viện dã chiến Tân Phú, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; đồ bảo hộ được phân phối đến 26 bệnh viện dã chiến và điều trị COVID-19 trị giá 6,181,200,000đ. Các mặt hàng nhu yếu phẩm còn lại được nhập kho Quận 7 để tiếp tục thực hiện các phần quà an sinh.
Tính đến 7/9, thành phố đã tiếp 909 người thuộc đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng, 164 đối tượng nghiện ma túy đưa vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Hỗ trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội.
Nguồn: Báo lao động thủ đô