Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành du lịch sẽ hoạt động trở lại như thế nào?

Doanh nghiệp du lịch bán trái cây để “nuôi” quân

Ngành du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 9,2% trong GDP, chiếm 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và sử dụng gần 5 triệu lao động.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với các công ty du lịch (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân – vốn chiếm tỷ lệ lớn trong ngành) đến từ việc hạn chế về nhập cảnh, cấm các chuyến bay quốc tế, hạn chế đối đi lại trong nước và giảm thu nhập.

Thực tế, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 có diễn biến càng phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Ngành du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh vốn đã lao đao, chưa thể hồi phục nay gần như bị tê liệt hoàn toàn. Hàng loạt doanh nghiệp đã phá sản vì chờ mở cửa hoạt động không nổi, phần đông khác không đủ kinh phí vận hành, khó trả được nợ, lãi vay,… và luôn trên bờ vực chực chờ sụp đổ.

Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác thời gian đón khách quốc tế trở lại, lượng khách nội địa từ giờ đến cuối năm nếu có cũng rất hạn chế. Vì vậy, khó khăn của ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng sẽ còn kéo dài.

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành du lịch sẽ hoạt động trở lại như thế nào?
4 tháng nay, những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh đều không một bóng người.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành quốc tế, Top Ten Travel (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) luôn trong tình trạng “ngắc ngoải” 2 năm nay vì dịch Covid-19.

Sau khi kết thúc năm 2020 không khả quan, nhận thấy tình hình du lịch quốc tế còn lâu mới phục hồi, công ty này dự kiến chuyển hướng hoạt động qua các tour trong nước. Thế nhưng thay đổi chiến lược chưa bao lâu thì đợt dịch lần 4 đã khiến công ty này lao đao khi 19 tỉnh, thành phía Nam buộc phải phong tỏa xã hội chống dịch.

Không đủ khả năng vận hành với lượng nhân viên như trước, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, chỉ giữ lại một số người để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, phong tỏa chặt chẽ khiến tình hình tài chính doanh nghiệp khó đảm đương được việc trả lương cho những người được giữ lại. Để có thể “nuôi quân” trong thời gian chờ mở cửa, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang tìm kiếm nguồn hàng để buôn bán trái cây, thiết bị y tế, sữa,…

“Ngay khi dịch vừa bùng phát đa số nhân viên đã nghỉ việc. Người còn cố gắng ở lại thì công ty tìm một số mặt hàng có thể kinh doanh, nhân viên bán được hàng sẽ hưởng hoa hồng”, một nhân viên cho biết.

Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cũng gặp vô vàn khó khăn và phải đóng cửa hàng loạt.

Để hỗ trợ các cơ sở lưu trú, tính đến cuối tháng 8/2021, thành phố Hồ Chí Minh đã vận động được gần 500 khách sạn (gần 20.000 phòng) đăng ký làm điểm cách ly F1 có trả phí. Sau khi đánh giá các tiêu chí, có 209 khách sạn với (11.350 phòng) đủ điều kiện để trở thành địa điểm cách ly có trả phí. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ là phần nhỏ trong tổng quan khó khăn chung của ngành. Theo đánh giá, thiệt hại trong đợt dịch lần 4 này là nặng nề chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành du lịch sẽ hoạt động trở lại như thế nào?
Chương trình “Hành trình xanh về vùng đất thép” của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Mặc dù các Hiệp hội du lịch đã kiến nghị, Chính phủ cũng đang cung cấp hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giảm/hoãn nộp thuế và tái cơ cấu nợ, nhưng với đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cùng với việc thiếu nền tảng kỹ thuật số đã làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch.

Muốn hoạt động lại phải đáp ứng 10 tiêu chí an toàn

Từ 1/10, thành phố Hồ Chí Minh sẽ dần mở cửa nền kinh tế sau nhiều tháng gần như đóng băng hoạt động. Đây là tin vui được các doanh nghiệp, cơ sở du lịch chờ đón nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú, du lịch muốn hoạt động phải đáp ứng được 10 tiêu chí trong Bộ đánh giá tiêu chí an toàn do Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh ban hành. Nếu không đạt dù chỉ 1 tiêu chí, cơ sở cũng buộc phải dừng hoạt động, chờ đủ điều kiện.

Theo đó, 100% nhân viên làm việc tại bộ phận tiếp xúc với khách và người bên ngoài phải được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 (đã qua 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2) hoặc đã chữa khỏi Covid-19 (có giấy xác nhận). Riêng những nhân viên trực tiếp phục vụ khách lưu trú phải có xét nghiệm 3 ngày/lần. Toàn bộ những nhân viên làm ở bộ phận còn lại phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (qua 14 ngày) và có xét nghiệm âm tính định kỳ. Những người chưa tiêm vắc xin buộc phải làm việc online.

Khách đến lưu trú trên 18 tuổi buộc phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin (14 ngày kể từ mũi 2) hoặc có chứng nhận đã chữa khỏi Covid-19. Khách dưới 18 tuổi phải có xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.

Cơ sở phải thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn ở khu vực cung cấp dịch vụ tối thiểu 1 lần/ngày, đối với các vị trí thường xuyên tiếp xúc 2 lần/ngày. Có quy trình xử lý chất thả và phân loại rác trong trường hợp phát hiện khách hoặc nhân viên dương tính hay tiếp xúc gần với F0.

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành du lịch sẽ hoạt động trở lại như thế nào?
Cơ sở lưu trú, dịch vụ muốn hoạt động phải đảm bảo tuân thủ đủ 10 tiêu chí đánh giá an toàn.

100% khách lưu trú, nhân viên, người đến liên hệ phải đeo khẩu trang trong thời gian tiếp xúc.

Phải kiểm tra thân nhiệt toàn bộ khách trước khi vào khu vực lưu trú hoặc sử dụng dịch vụ.

Bố trí 2 người trở lên/phòng đối với khách là một gia đình hoặc có cùng yếu tố dịch tễ. Các khách đi riêng lẻ hoặc không cùng yếu tố dịch tễ phải ở riêng.

Đối với khách lưu trú, chỉ phục vụ ăn uống tại phòng. Trường hợp tổ chức ăn uống tại nhà hàng thì bố trí khu vực, vị trí riêng cho từng nhóm khách cùng yếu tố dịch tễ, khoảng cách tối thiểu là 2m, vị trí ngồi so le, không đối diện. Nhân viên phải đeo khẩu trang và bao tay trong suốt quá trình phục vụ.

Đối với các cuộc họp hội nghị, hội thảo, cơ sở lưu trú bố trí đo thân nhiệt, khử khuẩn, phát khẩu trang cho khách, lập danh sách người tham dự trước 1 ngày diễn ra sự kiện. Khoảng cách bố trí chỗ ngồi và giao tiếp từ 2m trở lên, số lượng theo quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch;…

Thực hiện tuyên truyền cho khách lưu trú, nhân viên về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.

Cơ sở lưu trú bố trí ít nhất 1 phòng cách ly và 1 phòng chờ theo quy định của ngành y tế, trang bị tối thiểu 3 bộ đồ bảo hộ để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Phân công nhân sự làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách, nắm rõ danh sách các cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ khi cần.

Tân Nguyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích