Thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng hỗ trợ người dân miền Tây về quê
Trưa 1/10, lực lượng chức năng và nhân viên y tế đã được điều động thêm để bổ sung đến chốt kiểm soát tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) để hỗ trợ người dân test nhanh Covid-19 trước khi về quê. Người dân có mặt tại chốt được yêu cầu đứng thành từng hàng theo các tỉnh để cơ quan chức năng lên kế hoạch đưa về địa phương. Công an thành phố Hồ Chí Minh đã thống kê và lên danh sách được hơn 600 người tại chốt có nhu cầu về quê qua hình thức viết phiếu. Xe máy cá nhân của họ sẽ được vận chuyển bằng xe tải trong ngày.
Đối với những người dân đã có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trở lại (tính tới thời điểm đến chốt) thì không cần phải làm lại xét nghiệm.
Người dân được chia theo từng tỉnh, thành để tiện hỗ trợ. |
Sau khi làm đầy đủ thủ tục, người dân được sắp xếp ngồi vào từng xe khách, theo từng tỉnh đã chuẩn bị sẵn.
Trước đó, vào tối 30/9, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu gỡ bỏ các chốt chặn nội ô. Hàng nghìn người từ thành phố chạy xe máy chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh về quê miền Tây. Khi đến quốc lộ 1 (khu vực thị trấn Tân Túc) giáp ranh tỉnh Long An, họ bị lực lượng chức năng chặn lại. Lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu người dân quay về nơi cư trú. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố bám trụ qua đêm, chờ được thông qua chốt để về quê. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng ổn định tình hình, phát nước, thức ăn cho người dân.
Sau một đêm dài phải đứng vạ vật tại chốt kiểm soát, nhiều người không giấu được niềm vui sướng, xúc động khi được tạo điều kiện đưa về quê.
Những ai có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 tiếng sẽ không phải test Covid-19. |
Trong ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ có công điện 1265/CĐ-TTg về việc tiếp tục kiểm tra người ra, vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Thủ tướng nhận định, yêu cầu đi lại của người dân giữa các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh trên dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Mặt khác, người dân các tỉnh đã được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 1 nhưng vẫn có thể bị nhiễm vi rút, lây truyền cho người khác trong khi độ bao phủ vắc xin tại các địa phương khác còn thấp. Nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Nhân viên y tế test Covid-19 cho người dân. |
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào các tỉnh trên. Việc đưa đón người ra, vào 4 tỉnh trên phải được chính quyền các tỉnh, thành phố thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác.
Những người có kết quả test Covid-19 âm tính sẽ được đưa về quê bằng xe khách. |
Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với 4 tỉnh này. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê. Phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trên để khôi phục sản suất, kinh doanh.
Các tỉnh, thành phố thống nhất phương án quản lý người dân di chuyển bên trong “Khu vực”, tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường các điểm kiểm soát ra vào 4 tỉnh này, đảm bảo trật tự và an toàn.
Lực lượng quân đội đưa xe khách của người dân về sau. |
Tại buổi livestream Dân hỏi – Thành phố trả lời tối 30/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết: “Việc muốn về quê là tâm trạng phổ biến của nhiều người dân. Lãnh đạo thành phố cũng rất chia sẻ với việc này. Nói không cho về thì không được nhưng người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu về khi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể gây dịch cho các địa phương. Thành phố đang rất cần lao động, người dân cố gắng ở thêm vài tháng tới Tết rồi về luôn”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô