Thành phố Hồ Chí Minh: Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững
(Xây dựng) – Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về lãnh đạo thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững. |
Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhanh và bền vững
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Cùng đó, Đảng đoàn HĐND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố về huy động và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển hạ tầng giai đoạn mới; quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu kinh tế – xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, xây dựng Thành phố thông minh và mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2024 – 2030. Chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho các công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố Hồ Chí Minh; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị định số 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP).
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghiên cứu phát triển thị trường tài chính cung ứng vốn, đa dạng hóa các chủ thể đầu tư, hình thức đầu tư tham gia thị trường vốn. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về ban hành quy định hỗ trợ lãi suất, đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tổ chức huy động hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ không hoàn lại cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai mạnh mẽ danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 – 2025; danh mục dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; các đề án phát triển kết cấu hạ tầng thuộc chương trình đột phá phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI…
Trong đó, tập trung ưu tiên và tạo bước đột phá về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch.
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng Thành phố thông minh; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; từng bước đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao; tập trung giải quyết căn bản những vấn đề cấp bách về đô thị, nhất là ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
Nguồn: Báo xây dựng