Thành phố Hồ Chí Minh gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn

(Xây dựng) – Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 lần thứ 5.

Thành phố Hồ Chí Minh gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các tỉnh thành và doanh nghiệp chiều 25/9. (Ảnh: VGP)

Ưu tiên cơ chế để phát huy nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu chỉ đạo, kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một Thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế – xã hội, môi trường.

Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, Thành phố nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành Công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.

Muốn làm được điều này, Thủ tướng nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh.

Ngoài ra, phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư. Thủ tướng cho rằng việc này Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện làm được và phải làm bằng được.

Về trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành, Thủ tướng cho biết phải xây dựng thể chế cùng Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước. Trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với Thành phố Hồ Chí Minh vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của Thành phố Hồ Chí Minh và của Việt Nam.

Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam về: ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

5 lợi thế và 7 ưu tiên hành động của Thành phố Hồ Chí Minh

Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh có 5 lợi thế và cơ hội nổi trội để thực hiện quá trình chuyển đổi công nghiệp.

Cụ thể, Thành phố nhờ tạo dựng được hạ tầng cứng và hạ tầng mềm phát triển vượt trội so với cả nước nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đã có văn phòng, nhà máy đầu tư và triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) tại Thành phố.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và thuộc top đầu cả nước về chuyển đổi số. Kinh tế số của Thành phố năng động và có tốc độ phát triển cao; nhiều mô hình về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch đang được triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, Thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, có vị trí địa lý chiến lược tại Đông Nam Á và sức mua lớn từ hơn 10 triệu cư dân, trong đó tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Thành phố còn là nơi hội tụ nhân tài từ khắp cả nước, với nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao và tay nghề vững vàng. Thành phố đang có ưu thế lớn của một địa phương đang được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong báo cáo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố đặt mục tiêu theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa, công nghiệp sạch và thân thiện với môi trường. Hiện, Thành phố đang xây dựng chiến lược cụ thể về kinh tế xanh, đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và có nhiều chính sách ưu đãi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu 7 ưu tiên hành động của Thành phố để đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, bao gồm tập trung vào các ngành có tiềm năng và tầm quan trọng cao, khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích