Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch

(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định về thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Cụ thể, thí điểm phân cấp cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi là điều chỉnh cục bộ quy hoạch) trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý trên cơ sở các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo thí điểm phân cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; các nội dung điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô, ranh giới, định hướng phát triển chung của khu chức năng, của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn khác có liên quan.

Lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Quyết định cũng quy định lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Cụ thể, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh cục bộ và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu cần thiết).

Các ý kiến đóng góp của đại diện cộng đồng dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) phải được tổng hợp, giải trình bằng văn bản. Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu trực tiếp hoặc trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý kiến trực tiếp.

Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thời gian lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích