Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm danh các đơn vị giải ngân đầu tư công dưới 20%
(Xây dựng) – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh được giao vốn đầu tư hơn 79.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến đầu tháng 10 mới giải ngân đạt khoảng 20,2%. |
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nghiêm túc chấp hành và triển khai thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch năm 2024.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với sự tham gia vào cuộc của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phụ trách hoạt động đầu tư công.
Trong đó, các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành đúng thời gian yêu cầu các nhiệm vụ được giao. Các bên liên quan hạn chế tới mức tối thiểu việc xin ý kiến hướng dẫn của Sở, ngành liên quan trong việc giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền.
Hằng ngày kiểm tra tiến độ, chỉ đạo xử lý, giải quyết các nhiệm vụ, kiến nghị liên quan các dự án đầu tư công được các đơn vị cập nhật trên Hệ thống phần mềm quản lý theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị về đầu tư công do Sở Kế hoạch và Đầu tư vận hành.
“Báo cáo, đề xuất kiến nghị UBND Thành phố để chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ ngay đối với trường hợp vượt thẩm quyền”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo rõ.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng quán triệt Thủ trưởng các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân vốn của đơn vị mình và tỷ lệ giải ngân đánh giá trên cơ sở số liệu được các đơn vị xác định và đồng thuận cam kết thực hiện ngay từ đầu năm 2024.
Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm thấp hơn tỷ lệ chung của Thành phố (20,2%) khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị này gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban Quản lý đường sắt đô thị (17,1%), Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, UBND huyện Nhà Bè (10,5%), UBND quận 1 (11,6%), UBND quận 10 (8,8%), UBND quận 5 (13,0%).
Đối với các đơn vị có cơ cấu vốn giải ngân cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lớn và dự kiến giải ngân trong quý IV thì Thủ trưởng các đơn vị theo dõi chặt chẽ, chịu trách nhiệm toàn diện nếu không hoàn thành các thủ tục liên quan để giải ngân vốn.
Riêng các dự án, công trình trọng điểm, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan, khẩn trương lập kế hoạch, tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ, công việc cụ thể. Bao gồm nhiệm vụ lập, trình thủ tục, lựa chọn nhà thầu, khởi công, thi công dự án của các chủ đầu tư, nhiệm vụ giải quyết các thủ tục đầu tư dự án của các Sở, ngành; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Xác định các mốc thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ và cập nhật trên Hệ thống phần mềm quản lý theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị về đầu tư công do Sở Kế hoạch và Đầu tư vận hành, hoàn thành trong ngày 15/10.
Lãnh đạo UBND Thành phố, các Sở, ngành làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thủ tục và tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố ít nhất 2 lần/tuần. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng theo đúng số liệu đã thống nhất, không có lý do ngoại lệ. Các Sở, ngành chịu trách nhiệm trong việc dự án chậm trễ tiến độ giải ngân do không kịp thời đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện và kiến nghị giải quyết các nội dung khi vượt thẩm quyền.
Nguồn: Báo xây dựng