Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất chi thêm 760 tỷ đồng hỗ trợ người lao động
Đề xuất gói hỗ trợ người lao động đợt 2
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cho lao động tự do (đợt 2) và hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó, trong đợt 2, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người cho 334.192 lao động tự do. Tổng số tiền dự toán là trên 501 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Ngoài ra, Sở còn đề xuất hỗ trợ thêm các trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức hỗ trợ đề xuất là 1 triệu đồng/hộ. Hộ có nhiều đối tượng thì chỉ được hưởng một suất cao nhất.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đây là các trường hợp cấp thiết, cần hỗ trợ ngay vì nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, không có tích lũy. Dự kiến, sẽ có trên 90.000 hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện hỗ trợ với tổng số tiền trên 90,5 tỷ đồng. Ngoài ra, 170.000 hộ sống trong khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa cần hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng170 tỷ đồng.
Sở kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài chính hướng dẫn ngay việc sử dụng kinh phí trong dự toán để hỗ trợ. Các địa phương xác định đối tượng cụ thể để hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố hoặc nguồn vận động của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (áo xanh) – Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Thủ Đức trao hỗ trợ cho người lao động. (Ảnh: LĐLĐ Thủ Đức) |
Ngoài kinh phí thành phố đã giao, nếu các nhóm kể trên có bức xúc khi khó khăn hoặc nhân khẩu đông hơn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị thành phố chỉ đạo các quận huyện và thành phố Thủ Đức sử dụng nguồn vận động để hỗ trợ thêm. Nếu thiếu, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ từ Quỹ vận động Covid-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã hoàn tất việc thực hiện gó hỗ trợi 868 tỷ theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và đang tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ khác.
Theo thống kê, đến nay, kinh phí hỗ trợ người lao động mất việc làm không có cam kết hợp đồng lao động là hơn 480 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; giải quyết hỗ trợ hơn 10.400 điểm kinh doanh với số tiền gần 16 tỷ đồng; hỗ trợ 44.244 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương gần 84 tỷ đồng; hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho khoảng 200 lao động bị chấm dứt, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Song song với gói hỗ trợ chính thức cấp, thành phố Hồ Chí Minh còn nhận được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác với tổng số tiền hơn 2.143 tỷ đồng. Số tiền trên được sử dụng cho việc thu mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu,…
Đảm bảo an sinh cho người dân yên tâm ở lại thành phố
Về các biện pháp hỗ trợ người dân tại thành phố Hồ Chí Minh về quê, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thành phố Hồ Chí Minh có lượng người dân từ các tỉnh, thành đến học tập, sinh sống và làm việc lớn. Nếu người dân về quê nhiều sẽ gây khó khăn cho địa phương trong công tác tiếp nhận trong thời gian ngắn, việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 cũng hạn chế người dân di chuyển.
Để hạn chế tình trạng tự phát về quê, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hạn chế người dân di chuyển. |
Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, thành phố đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối viện trợ cấp thành phố, quận – huyện, phường – xã; phát huy mạng lưới, hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện để nắm các đối tượng cần hỗ trợ.
Đối với việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09, trong thời gian qua, một số đối tượng không được nhận hỗ trợ do không thuộc quy định của chính sách. Vì vậy, thành phố đã đề nghị xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động, sinh viên không thu nhập, người không thuộc đối tượng của Nghị quyết 09 đang gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ.Do đó, thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại.
“Trong giai đoạn khó khăn này, mong người dân thông cảm và đồng lòng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Riêng thành phố sẽ sử dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân thiếu đói. Các nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ được huy động để chăm lo cuộc sống cho người dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết.
“Người dân nếu gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ, chủ động liên hệ từng địa phương và thông qua các tổng đài để thành phố ghi nhận, kịp thời chăm lo”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Dương Anh Đức, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ giữa tháng 7, sau khi nhận được đề nghị của một số địa phương, thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức tốt việc đưa người dân về quê theo văn bản trao đổi giữa 2 bên; người dân trước khi về quê đều được xét nghiệm và phải có kết quả âm tính. Tính từ ngày 20/7 đến nay, thành phố đã phối hợp tổ chức cho 7.023 người về các địa phương Đà Nẵng, Gia Lai, Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Thuận… Tuy nhiên, trước tình trạng người dân tự ý về quê bằng phương tiện xe máy, không đảm bảo quy định phòng chống dịch và an toàn giao thông, ngày 30/7/2021, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Công văn số 2544 gửi các tỉnh, thành phố để phối hợp chặt chẽ trong công tác đưa người dân về quê. Trong đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ định đầu mối tiếp nhận, lập danh sách, tổ chức xét nghiệm, tổ chức vận chuyển. Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành Công văn số 2548 giao nhiệm vụ cho các cơ quan đầu mối là Sở Giao thông vận tải và các Sở liên quan để phối hợp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được về quê. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng cố gắng nỗ lực phối hợp tỉnh, thành tạo điều kiện tối đa cho người dân ngoại tỉnh lưu trú tại thành phố có điều kiện tốt nhất để duy trì cuộc sống, sức khoẻ. Lãnh đạo thành phố mong người dân không di chuyển tự phát, gây khó khăn, mất ổn định trật tự, ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng. Thành phố cam kết đảm bảo ổn định cho người dân ở lại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian chống dịch. |
Tân Nguyên
Nguồn: Báo lao động thủ đô