Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
(Xây dựng) – Mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. |
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Cụ thể, đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh có 50% cơ sở trồng trọt áp dụng công nghệ xử lý, thu gom và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm sản phẩm chủ lực, trong đó, 80% rơm rạ được áp dụng công nghệ thu gom và tái sử dụng. Lĩnh vực chăn nuôi, có 60% cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ và 100% cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng. Lĩnh vực thủy sản, 50% cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ xử lý bùn thải và nước thải.
Cùng đó, 100% cán bộ khuyến nông được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các xã nông thôn mới xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi, gồm: Nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu với sinh vật hại, điều kiện ngoại cảnh bất thuận; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ sinh vật hại, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thủy sản…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải, bao gồm chất thải thực phẩm.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giai đoạn đến năm 2030 để triển khai nghiên cứu ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn; phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn.
Nguồn: Báo xây dựng