Thành phố Hồ Chí Minh đang có số lượng lao động thất nghiệp cao nhất cả nước
Kỷ lục doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động
Theo báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, 19 tỉnh phía Nam là nơi tập trung các doanh nghiệp của cả nước (chiếm 48%). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 65% số doanh nghiệp của cả vùng.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng, với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% doanh nghiệp rút lui của cả nước, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020). Đây là số kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020.
Ngoài ra, các tỉnh phía Nam vốn đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất vì vậy mật độ xây dựng, hạ tầng chỉ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất nên khó bố trí thêm khu ở, khu phòng chống dịch. Từ đây, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng lớn vì không thể đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Theo đó, 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có 195 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao với số lao động trên 2,3 triệu người; 97 cụm công nghiệp với gần 113 ngàn người lao động. Do ảnh hưởng của dịch, hiện đã có gần 50% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động để phòng, chống dịch hoặc thiếu các nguyên liệu sản xuất, gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa.
Thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ còn 1.790 doanh nghiệp còn duy trì hoạt động. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố chỉ có 540 doanh nghiệp duy trì, nhưng chỉ vận hành 50% công suất do phải giãn cách lao động. Số doanh nghiệp duy trì sản xuất tại Khu công nghệ cao chỉ còn 52%.
Người lao động xếp hàng vào công ty thực hiện “3 tại chỗ”. |
Tại Bình Dương, có 1.886 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, 65 doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp và 1.997 doanh nghiệp bên ngoài Khu công nghiệp đang duy trì được việc làm theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Đồng Nai có 1.156 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, với số lao động là 136.730/333.345 người; 118 doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp, số lao động 12.061 người đang duy trì được việc làm theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Đồng Tháp có 26.880 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Cần Thơ chỉ còn 20/170 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp (chiếm 11,76%) với 2.300/40.526 lao động đang làm việc (chiếm 5,68%); có 52/920 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động (chiếm 5,65%) với số tổng số lao động là 2.384/29.367 lao động (chiếm 8,12%). Như vậy, 65.209 lao động của doanh nghiệp tại Cần Thơ đang phải ngừng việc.
Thành phố chiếm 70% lao động ngừng việc cả nước
Các tỉnh phía Nam cũng là nơi có số lượng lao động phi chính thức lớn, trên 10 triệu lao động. Trong đó thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, trung tâm của giao thương, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nên số lao động tự do tìm đến thành phố để làm việc lớn.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, các hoạt động tập trung đông người, ngành sản xuất kinh doanh không thiết yếu,… dừng hoạt động đã đẩy những lao động phi chính thức vào khó khăn hơn.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam, tại thời điểm 13/8/2021, có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.
Người lao động thất nghiệp do Covid-19 nhận hỗ trợ. |
Để giảm bớt khó khăn người dân, các tỉnh phía Nam cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lao động phi chính thức: 19/19 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, các đối tượng hỗ trợ phù hợp với từng tỉnh như người lao động bán vé số dạo, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động,…
Tính đến ngày 14/8/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã hỗ trợ được cho 635.000 lao động tự do với số tiền hơn 911 tỷ đồng.
Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh có 462.600 người đã được nhận hỗ trợ với số tiền gần 694 tỷ đồng; Đồng Nai: 22.000 người, 33 tỷ đồng; Bình Dương: 97.680 người với số tiền 134 tỷ đồng; Bình Phước: 45.700 người, 42,46 tỷ đồng; Đồng Tháp: 40.200 người với số tiền 60,2 tỷ đồng; Vĩnh Long: 20.100 người với số tiền 22,76 tỷ đồng,…
Tuy nhiên, với việc thực hiện giãn cách xã hội tới nay đã gần 2 tháng, lao động tự do thu nhập hàng tháng không ổn định, phần lớn là lao động ngoại tỉnh nên tài chính tích lũy được thường rất ít. Vì vậy, khi dịch bệnh kéo dài, với tâm lý lo sợ dịch bệnh thì lao động tự do sẽ ít dần khả năng chịu đựng, dễ rơi vào khó khăn hơn và nguy cơ gây ra những tiêu cực trong xã hội.
Chính vì vậy, ngay lúc này người lao động, đặc biệt lao động thất nghiệp rất cần những chính sách trợ giúp xã hội kịp thời.
Nguồn: Báo lao động thủ đô