Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ đạo khắc phục sạt lở tuyến kè kênh Thanh Đa
(Xây dựng) – UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo giải quyết tình hình và kiến nghị khắc phục sạt lở tuyến kè kênh Thanh Đa – đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh.
Điểm sạt lở tuyến kè kênh Thanh Đa – đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh (ảnh Anh Tú). |
Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương giao UBND quận Bình Thạnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh) làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa – đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh.
Đồng thời giao UBND quận Bình Thạnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND quận Bình Thạnh nghiên cứu đề xuất chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực, địa phương thuận lợi, chủ động, đảm bảo.
Đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân; lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt sớm bàn giao mặt bằng thi công; chủ đầu tư là đơn vị có chức năng theo khoản 3, Điều 7 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; cam kết đẩy nhanh tiến độ khắc phục chậm triển khai dự án theo phản ánh của người dân và báo đài phản ánh trong 4 tháng qua.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn năm 2021 – 2025 và vốn chuẩn bị đầu tư năm 2024 nhằm kịp thời từ nguồn vốn ngân sách Thành phố theo tiến độ triển khai dự án để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định.
Trong quá trình thực hiện giao UBND quận Bình Thạnh chịu trách nhiệm kiểm tra và chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khu vực sạt lở và những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, phòng chống sạt lở, ngập úng theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Trước đó, ngày 22/6, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện và ghi nhận trên hành lang mặt kè bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m, thượng lưu 120m xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ.
Từ ngày 24 đến 26/6, khu vực này xảy ra sụt lún, công trình kè và khu vực tiếp giáp kè bị dịch chuyển vị trí. Cụ thể, đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,5m so với tim tuyến kè thiết kế ban đầu. Đồng thời, mặt đất bị lún theo phương đứng là khoảng 0,8m so với cao độ đỉnh kè thiết kế. Toàn phạm vi kè hứng chịu chuyển vị dài khoảng 120m, rộng 10m.
Ngày 27/6 đến 8/7, qua quan trắc, Trung tâm Quản lý đường thủy ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. Phạm vi ảnh hưởng lún sụt lên đến 200m kè đá hiện hữu, xuất hiện vết nứt 10 – 15cm cách đỉnh kè khoảng 10m, chiều dài khoảng 120m.
Sự cố gây thiệt hại về tài sản của 15 hộ dân ven kênh, đa số nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh.
Nguồn: Báo xây dựng