Thành phố Hà Tĩnh: Phát triển nông nghiệp giữa lòng đô thị
(Xây dựng) – Thời gian qua, thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp đô thị, thành phố Hà Tĩnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái bền vững.
Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình nông nghiệp sinh thái tại xã Thạch Hạ. |
Xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp đô thị dài hạn
Nhằm phát huy những lợi thế sẵn có để thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa. UBND thành phố Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp trên tinh thần lấy sự phát triển hợp tác xã làm nòng cốt để làm trọng tâm liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng.
Thành phố tập trung hỗ trợ người nông dân từ khâu hình thành các hợp tác xã đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ một phần kinh phí về giống, phân bón, vật tư cho một số mô hình điểm; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới vào sản xuất; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và tạo ra chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khuyến khích sản xuất liền vùng, cùng trà, cùng giống, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng chia sẻ: Đầu tư cho nông nghiệp đô thị không phải là câu chuyện đầu tư dàn trải mà phải lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để dồn nguồn lực, phát triển một cách quy mô, bền vững. Năm 2024, thành phố Hà Tĩnh phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 250 tỷ đồng (tăng gần 5% so với năm 2023); giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt 95 triệu đồng/ha.
Những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả
Nhờ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đô thị bằng việc du nhập các phương thức sản xuất mới, gắn nông nghiệp với thương mại và dịch vụ sinh thái đã cho ra đời những mô hình khẳng định thương hiệu của những người nông dân thành phố.
Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được Hợp tác xã Sen Hào Thành triển khai từ tháng 5/2021, liên kết với các tổ hợp tác, hộ dân tại địa phương để sản xuất các sản phẩm từ sen. Hợp tác xã Hào Thành đã trồng thử nghiệm rất nhiều lứa sen. Có những lứa mất trắng do hồ bị ô nhiễm hữu cơ.
Những hồ sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tạo cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái. |
Làm nông nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhưng tình yêu với hoa sen, sự tin tưởng vào hướng đi này, sau hơn 2 năm vận hành, Hợp tác xã Sen Hào Thành đã kết nối với 12 tổ hợp tác, phát triển diện tích trồng sen lên hơn 28ha, tập trung ở xã Đồng Môn với khoảng 12ha; 2 phường Văn Yên, Đại Nài, mỗi phường khoảng 4ha; ngoài ra còn rải rác ở các phường Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Hưng…
Giám đốc Hợp tác xã Sen Hào Thành Trần Tuấn Sỹ cho biết: Mục tiêu của hợp tác xã Sen Hào Thành là chế biến sâu các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực địa phương. Từ đó, tạo lập hệ sinh thái kinh tế cộng đồng bền vững, đa giá trị, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cùng thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Từ cuối năm 2021, anh Nguyễn Hữu Quyền, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Nhật bắt đầu công việc mới của mình bằng cách đầu tư, thuê máy móc, phá bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung hữu cơ, nuôi cá (5ha). Mô hình “3 trong 1” ngày càng cho thấy hiệu quả rõ nét khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, khi tham gia sản xuất cùng anh, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Hữu Quyền còn cùng bà con xã viên trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Nguyễn Hữu Quyền chia sẻ: ”Rẽ hướng vào sản xuất nông nghiệp từ nghề xây dựng, tôi đã thực sự có niềm đam mê mới – nông nghiệp sạch, càng làm lại có thêm nhiều ý tưởng, nhiều hoài bão và kế hoạch mới. Đến nay, sản phẩm của hợp tác xã đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúa hữu cơ được thu mua ngay trên đồng ruộng. Thôn Liên Nhật giờ được nhiều du khách tìm đến. Mong muốn tạo điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp đô thị của tôi dần trở thành hiện thực. Và điều quan trọng hơn là tôi đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm những ý tưởng mới, có tính đột phá hơn”.
Hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao được cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Tĩnh hỗ trợ về đất, cơ sở hạ tầng, giống, khoa học kỹ thuật… Từ quy mô 3.000m2 nhà màng ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã mở rộng quy mô lên 10.000m2 nhà màng để sản xuất dưa lưới và dưa lê vàng Hàn Quốc theo hướng công nghệ cao. Doanh thu mỗi năm của hợp tác xã ước tính trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định và thời vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn. Hiện nay, Hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ đang hoàn thiện quy trình sản xuất VietGAP theo hướng hữu cơ và tổ chức mở rộng diện tích nhà màng lên 20.000m2.
Ông Trần Quang Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có hơn 120ha sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ. Trong đó, hợp tác xã đóng vai trò trọng tâm, đầu tư và tổ chức sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết và từng bước hình thành hệ sinh thái để khai thác nông nghiệp đa giá trị. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành, làm thay đổi diện mạo các khu vực ven thành phố.
Nguồn: Báo xây dựng