Thành phố Bắc Giang: Phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2030

(Xây dựng) – Thành phố đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I và được công nhận là đô thị loại I trước năm 2030.

thanh pho bac giang phan dau tro thanh do thi loai i truoc nam 2030
Phát triển thành phố Bắc Giang theo hướng đô thị xanh – thông minh

Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Nghị quyết số 156-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Tỉnh ủy với quan điểm đưa thành phố Bắc Giang trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và đối ngoại của tỉnh. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ và huy động mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố Bắc Giang theo hướng đô thị xanh – thông minh.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn thành phố đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch cùng cấp, thống nhất với quy hoạch cấp trên và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%, tỷ lệ phủ kiến quy hoạch chi tiết đạt 85% trở lên.

Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, có điểm nhấn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai. Quy hoạch hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại đồng bộ, hiện đại, chú trọng các trục giao thông kết nối giữa các khu vực của thành phố, khắc phục khó khăn do địa hình chia cắt, đồng thời tăng cường khả năng kết nối với các địa phương trong tỉnh và vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết cũng đặc biệt quan tâm quy hoạch phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng đô thị nén, tăng cường các công trình nhà cao tầng, hạn chế phân lô bán nền để nâng cao hệ số sử dụng đất, dành quỹ đất phát triển các không gian chung và các tiện ích xã hội, như: Hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước, các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; khai thác hiệu quả cảnh quan 2 bên bờ sông Thương… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và cung cấp thông tin quy hoạch gắn với chuyển đổi số.

Tỉnh ủy cũng quán triệt tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị. Kết hợp và sử dụng nguồn vốn ngân sách các cấp để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng khu đô thị để thu hút đầu tư lấp đầy các khu chức năng. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông đối ngoại, đường vành đai, trục chính liên kết các khu chức năng đô thị, các khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, logistics, chợ đầu mối quốc tế và các vùng lân cận theo quy hoạch, như: Tuyến đường vành đai thành phố; cầu vượt cao tốc Bắc Giang – Hà Nội và đường kết nối khu đô thị phía Tây Nam với trung tâm Logistics quốc tế và cảng Đồng Sơn,… Chú trọng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị mới thông minh, hiện đại, các công trình nhà ở cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao quy mô lớn, tạo điểm nhấn đô thị, gắn với mục tiêu trở thành đô thị loại I.

Nghị quyết số 156-NQ/TU đưa ra một số mục tiêu cơ bản, như:

Đến năm 2025, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bắc Giang mở rộng và cơ bản hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I. Hạ tầng giao thông đối ngoại được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đất cây xanh toàn đô thị đạt 18m2/người. Đến năm 2030, thành phố Bắc Giang hoàn thành mở rộng địa giới hành chính và được công nhận là đô thị loại I trước năm 2030.

Đến năm 2030, thành phố thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (trừ thu từ tiền sử dụng đất) tăng bình quân 18 – 20%/năm. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người trên địa bàn đến 2030 đạt 13.000 – 15.000USD. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 165.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, phấn đấu thành phố nằm trong top 5 các thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số thông minh; kinh tế số chiếm khoảng 50% GRDP của thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 35%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích