Thanh Oai: Cần sớm hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở để phát triển lên quận sinh thái vào năm 2030
(Xây dựng) – Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, trên địa bàn hiện cũng đang có nhiều dự án lớn của thành phố. Tuy nhiên, sự phát triển của huyện Thanh Oai còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc lập quy hoạch chi tiết các đề án quy hoạch còn chậm triển khai, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn lúng túng, nhất là các mô hình tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…Vì vậy, trong thời gian tới một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Thanh Oai là, sớm hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở để phát triển lên quận sinh thái vào năm 2030.
Diện mạo huyện Thanh Oai ngày càng khởi sắc |
Thanh Oai – vùng đất nhiều lợi thế phát triển
Huyện Thanh Oai nằm ở phía Tây Nam, trong hành lang xanh của Thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái kết hợp các làng nghề và cụm đổi mới gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch và bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái chất lượng cao, phát triển kinh tế tổng hợp.
Thanh Oai có vị trí chiến lược quan trọng: Phía Đông giáp huyện Thường Tín; Phía Tây giáp huyện Chương Mỹ; Phía Nam giáp huyện Ứng Hòa và huyện Phú Xuyên; Phía bắc giáp quận Hà Đông. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Thanh Oai là 129,6 km2, dân số năm 2020 khoảng 207.640 người. Mật độ dân số đạt 1.602 người/km2.
Thanh Oai cần quy hoạch làm cơ sở để phát triển lên quận sinh thái vào năm 2030 |
Trong giai đoạn 2010 – 2020, kinh tế huyện Thanh Oai đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,18%. Đáng kể đến là trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện này đạt 13,65% (bằng gần 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của Thành phố Hà Nội trong giai đoạn này). Từ đó, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 6 lần so với năm 2010).
Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% trạm y tế, nhà văn hóa giữ vững đạt chuẩn; 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia; đường trục phía Nam được đưa vào khai thác sử dụng; nhiều tuyến đường trục huyết mạch được thành phố quan tâm đầu tư như tuyến Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài, quảng trường công viên cây xanh và các đoạn còn lại, xây dựng, mở rộng đường trục kinh tế huyện Thanh Oai…góp phần kết nối giao thông, liên kết vùng và phát triển kinh tế của địa phương.
Về phát triển công nghiệp: Đến nay huyện Thanh Oai đã tập trung xây dựng 5 cụm công nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định, đem lại nguồn thu cho người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Năm 2020, huyện Thanh Oai đã được Thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 cụm công nghiệp gồm: Kim Bài quy mô khoảng 50ha, Tân Ước – Thanh Văn với quy mô 47ha, Phương Trung với quy mô 12ha, Hồng Dương khoảng 12ha và mở rộng cụm công nghiệp Thanh Thùy thêm 6,5ha.
Huyện cũng tập trung chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất; hình thành một số vùng sản xuất tập trung và triển khai thực hiện một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với những kết quả đạt được, Thanh Oai đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, Thanh Oai có bề dày lịch sử, văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, đến nay, Thanh Oai có 266 di tích, trong đó có 151 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Thanh Oai còn nổi tiếng là huyện có nhiều làng nghề lâu đời và đặc sắc, toàn huyện có 51 làng được công nhận làng nghề, trong đó có những làng nghề nổi tiếng như: làng làm nón Chuông, xã Phương Trung đã được công nhận là làng điển hình văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ; điêu khắc ở Võ Lăng – xã Dân Hòa; kim khí, điêu khắc – xã Thanh Thùy; làm quạt, lồng chim xã Dân Hòa, tương miến Cự Đà xã Cự Khê; giò chả, bánh chưng, bánh dày (xã Tân Ước) là những điểm đến có tiềm năng thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua sắm.
Có thể thấy, với địa thế thuận lợi vừa cận thị vừa cận sông, không xa trung tâm, tốc độ đô thị hóa nhanh, đất rộng người đông, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh…huyện Thanh Oai có nhiều lợi thế để phát triển.
Trong những năm qua, với sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2020 huyện Thanh Oai đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng 2; đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và được Chủ tịch UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2020.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Công tác quy hoạch và phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ được huyện xác định phải luôn đi trước một bước. Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung được Thành phố phê duyệt, huyện đã tranh thủ sự quan tâm của Thành phố và các sở, ngành để triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến giao thông, tạo nền tảng giao thương, phát triển kinh tế.
Trong đó phải kể đến là xây dựng, chỉnh trang tuyến đường đôi Quốc lộ 21B qua thị trấn Kim Bài; nâng cấp đường Tỉnh lộ 427 và đưa tuyến đường trục phát triển phía Nam qua địa bàn huyện vào khai thác, sử dụng.
Phối cảnh tổng thể khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Kim Bài. |
Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai cũng chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Diện mạo nông thôn mới Thanh Oai ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, so với một số huyện ngoại thành Hà Nội, sự phát triển của Thanh Oai chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, việc lập quy hoạch chi tiết các đề án quy hoạch còn chậm triển khai.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội gợi ý: Để tạo bứt phá cho huyện thành quận trong tương lai, huyện Thanh Oai cần đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Xây dựng phát triển các khu đô thị mới đảm bảo đồng bộ, hiện đại, văn minh gắn kết các đô thị sinh thái. Huyện cần chủ động phối hợp với các sở, ngành Thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch xây dựng các xã, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Ngày 29/3/2021, đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy (nay là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam) tại buổi làm việc với Huyện ủy Thanh Oai đã kiến nghị thành phố cho phép lập quy hoạch chi tiết các đề án quy hoạch và tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2028, huyện được công nhận thành quận. Cho phép UBND huyện Thanh Oai lập quy hoạch chi tiết: Một số vị trí còn lại của thị trấn Kim Bài (khu K1, K2, K4); một số cụm đổi mới cũng như một số khu vực đô thị (khu đô thị mới Cao Viên), các khu vực nằm trong quy hoạch phân khu S4, GS; lập quy hoạch khai thác quỹ đất 2 bên trục đường phát triển kinh tế phía Nam Cienco 5 làm cơ sở triển khai các dự án trong các năm tiếp theo. Về nội dung này, đồng chí Vương Đình Huệ giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp với huyện Thanh Oai rà soát công tác lập quy hoạch chi tiết tại các khu vực quan trọng tạo động lực phát triển cho huyện (khu vực đầu tư công, khu vực cần tăng cường quản lý). Đơn vị thực hiện là Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Các sở, ngành liên quan; Huyện ủy, UBND huyện Thanh Oai… Hoàn thành trong quý II/2021.
Với kiến nghị lập quy hoạch chi tiết tuyến đường kênh Yên Cốc, quy hoạch sử dụng quỹ đất 2 bên dọc tuyến đường kênh Yên Cốc; quy hoạch trụ sở huyện. Bãi đỗ xe, khu chợ đêm, trang trại giáo dục, các khu nông nghiệp sinh thái, đô thị văn minh trong vành đai xanh. Cho phép UBND huyện Thanh Oai lập quy hoạch, nghiên cứu xây dựng sân golf (quy mô khoảng 200ha) tại vùng bãi ven Đáy huyện Thanh Oai. Giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đảm bảo phối hợp với các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch cấp trên phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô và nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Đơn vị thực hiện: Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiến độ thực hiện theo tiến độ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện, huyện Thanh Oai đề nghị thành phố cho triển khai một số đường giao thông huyết mạnh của huyện, như: Cho phép huyện Thanh Oai hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư đường cầu Văn Phương kết nối trục Cienco5; tuyến đường Kim An, Đỗ Động kết nối Cienco5 đi Thường Tín; Đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông với phòng chống thiên tai (chiều dài khoảng 17km). Đề nghị Thành phố đôn đốc chủ đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời triển khai tiếp đoạn qua các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, hoàn thành việc thông tuyến đường Cienco5 để đưa vào khai thác hiệu quả. Sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 đoạn chạy qua địa phận huyện Thanh Oai.
Mục tiêu của huyện Thanh Oai trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phấn đấu trong thời gian sớm nhất hoàn thành huyện Nông thôn mới nâng cao, xây dựng huyện giàu đẹp văn minh, từng bước hoàn thành các tiêu chí của quận gắn liền là phát triển thành đô thị sinh thái ven đô với nền nông nghiệp hiện đại, làng nghề phát triển, hạ tầng xứng tầm và là nơi lưu giữ những không gian văn hóa, truyền thống lịch sử, nét đẹp của vùng quê Bắc Bộ.
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Thanh Oai xác đinh: 5 nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung triển khai Thứ nhất, phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả và bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp – xây dựng, rà soát và nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch để kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, hình thành 4 trung tâm thương mại, khai thác tiềm năng kinh tế của huyện trên nhiều mặt, phát triển làng nghề gắn với du lịch…; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao… Thứ hai, tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đáp ứng nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…; phát triển đô thị xanh, văn minh cùng với lộ trình xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí huyện Thanh Oai trở thành quận sau năm 2025. Thứ ba, chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Thanh Oai – Hà Nội thanh lịch, văn minh bảo đảm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương… Thứ tư, tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thứ năm, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Hai khâu đột phá: Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao kỷ cương, ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng phục vụ nhân dân. Hai là, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; phát triển các khu đô thị xanh, văn minh, hướng tới hoàn thành các tiêu chí trở thành quận. |
Nguồn: Báo xây dựng