Thanh khoản đóng băng, nhà đầu tư bất động sản tìm cách ‘tháo chạy’

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tín dụng kiểm soát, thanh khoản kém, lãi suất tăng… Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính đang phải tìm cách bán cắt lỗ để bảo toàn vốn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản – cho hay: Lãi suất tăng cao, siết tín dụng với bất động sản, trong khi bất động sản có giá trị lớn đa phần cần dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng. Khi dòng tiền bị thu hẹp, thanh khoản lập tức giảm, giá giảm và sản phẩm mới ra thị trường cũng giảm.

“Thị trường sắp tới có hiện tượng không có sản phẩm, không có giao dịch nhưng giá rất cao”, ông Toản nói.

Theo ông Toản, nhà đầu tư có giai đoạn đầu tư theo phong trào, dùng đòn bẩy tài chính nhiều. “Giai đoạn này chưa có nhưng đã có nhiều dấu hiệu nhà đầu tư phải cắt lỗ. Trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư phải cắt lỗ khi không chịu được áp lực. Với tình hình thị trường như hiện nay, phải sang năm 2024, thị trường bất động sản mới có khả năng bình ổn lại được”, ông Toản nhận định.

thanh khoan dong bang nha dau tu bat dong san tim cach thao chay
Hiện tượng bán cắt lỗ nhiều phân khúc như đất nền, liền kề, biệt thự… diễn ra trên thị trường, đặc biệt với các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính (ảnh: Ngọc Mai).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc”, chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn giữ mức cao.

Chủ tịch HoREA cho rằng, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão), nhưng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.

Báo cáo quý III của Bộ Xây dựng cho thấy, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn và giảm mạnh so với các quý trước. Giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích