Thanh Hóa: Xử phạt Shop Bitis Minh Hải do kinh doanh hàng giả nhãn hiệu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi vừa ký quyết định xử phạt hành chính số 3936/QĐ-XPHC đối với hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường vì đã trưng bày, bán hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu tại địa chỉ số nhà 53 – 55 đường Cao Thắng, phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa.

Trước đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường ở số nhà 53 -55 Cao Thắng, phường Lam Sơn, phát hiện hộ kinh doanh này trưng bày để bán hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu các nhãn hiệu lớn như NIKE, ADIDAS, GUCCI, CHANEL, MLB, LOUIS VUITTON. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng này bày bán 127 đôi giày, 203 đôi dép với tổng trị giá hàng hóa vi phạm 67.625.000 đồng.

Xử phạt Shop Bitis Minh Hải do kinh doanh hàng giả nhãn hiệu.

Hộ kinh doanh bị áp dụng tình tiết tăng nặng do tái phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Vào tháng 10/2023, hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường cũng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 27000167/QĐ-XPHC ngày 24/10/2023 của Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường đã bị xử phạt hành chính 50.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, GUCCI, CHANEL, MLB, LOUIS VUITTON.

Ngoài ra, hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường phải chi trả mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày ký quyết định, nếu quá thời hạn mà hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa; bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa. Mọi hành vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy quần áo giả nhãn hiệu chính là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; các hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu: Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả; với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu: Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này; Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích