Thanh Hóa: Xử lý kiểu “nửa vời”, bao giờ xưởng chế biến gỗ keo trái phép tại Thường Xuân mới được tháo dỡ

(Xây dựng) – Đã qua 7 tháng, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất sai mục đích, yêu cầu tháo dỡ nhà xưởng. Nhưng đến nay, xưởng chế biến gỗ keo trái phép tại khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân vẫn hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra.

Thanh Hóa: Xử lý kiểu “nửa vời”, bao giờ xưởng chế biến gỗ keo trái phép tại Thường Xuân mới được tháo dỡ
Xưởng sơ chế gỗ keo trên đất của bà Lê Thị Tẩm vẫn hoạt động bình thường sau gần 7 tháng bị buộc tháo dỡ, trả lại mặt bằng ban đầu.

Trước việc xưởng gỗ keo xây dựng và hoạt động trái phép trên đất ở và đất trồng cây lâu năm chưa được chuyển đổi. Ngày 29/5/2023, tổ kiểm tra liên ngành của UBND huyện Thường Xuân gồm đại diện các phòng chuyên môn, Công an huyện và UBND thị trấn Thường Xuân đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản về hiện trạng sử dụng đất đối với hộ ông Hà Văn Tuất, ngụ khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Tuất xuất trình 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong đó, một thửa có diện tích 17.239.9m2 đất trồng cây hàng năm, một thửa diện tích 2.250m2, gồm 400m2 đất ở và 1.850m2 đất trồng cây lâu năm.

Năm 2022, ông Tuất có đơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, xin được cải tạo hạ thấp độ cao mặt bằng để làm nhà ở và trồng cây hàng năm. Sau khi được phép san lấp, hạ độ cao mặt bằng, thay vì thực hiện theo phương án đã được chấp thuận. Ngày 01/01/2023, ông Tuất đã ký hợp đồng cho thuê đất với bà Phạm Thị Lan để bà này dựng nhà xưởng chế biến và sân phơi gỗ keo, mức giá hợp đồng 50.000.000 đồng/năm trong 3 năm đầu, các năm tiếp theo tăng 10% mỗi năm.

Qua kiểm tra, tổ công tác của UBND huyện xác định, phía thuê đất là bà Loan đã xây dựng nhà xưởng, bao gồm: Nhà ở cho người lao động 158m2, nhà xưởng 563,1m2, sân phơi 5.563m2, trạm cân điện tử 38m2. Qua kiểm tra, đối chiếu với bản đồ địa chính xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân), các hạng mục xây dựng trên đều thuộc phần đất ở nông thôn và đất trồng cây hàng năm, lâu năm. Thời điểm kiểm tra, toàn bộ công trình trên đều chưa được cấp phép xây dựng.

Trước sai phạm trên, ngày 26/6/2023, UBND huyện Thường Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác. Nội dung nêu rõ: “Ông Hà Văn Tuất đã có hành vi vi phạm hành chính, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Đồng thời khẳng định, hành vi trên là trái với quy định, ông Hà Văn Tuất đã thừa nhận sai phạm.

Thanh Hóa: Xử lý kiểu “nửa vời”, bao giờ xưởng chế biến gỗ keo trái phép tại Thường Xuân mới được tháo dỡ
Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra ngang nhiên tại xưởng gỗ keo trên đất trồng cây hàng năm của hộ ông Phạm Văn Tuất.

Tiếp theo, ngày 5/6/2023, UBND huyện Thường Xuân đã ra Quyết định số 1042/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, phạt về hành vi trên đối với ông Tuất, số tiền 31 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.

Nằm đối diện thửa đất của ông Tuất còn có thửa đất của bà Lê Thị Tẩm, cũng thuộc trường hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo hồ sơ kiểm tra, bà Tẩm được UBND huyện cấp GCNQSDĐ có diện tích 14.687,5m2, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ngày 01/02/2023, bà Tẩm đã làm hợp đồng thuê đất với ông với ông Nguyễn văn Phú để làm xưởng sơ chế và sân phơi gỗ keo. Theo đo đạc của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, tại khu đất này có một nhà xưởng chế biến gỗ keo 281m2, trạm điện 100,8m2, sân phơi gỗ keo 4.833,3m2, các công trình này đều thuộc diện tích đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm và đều chưa có giấp phép xây dựng.

Thanh Hóa: Xử lý kiểu “nửa vời”, bao giờ xưởng chế biến gỗ keo trái phép tại Thường Xuân mới được tháo dỡ
Một phần sân phơi và nhà ở cho công nhân tại xưởng gỗ keo trái phép trên đất hộ ông Tuất sau gần 7 tháng bị buộc phải tháo dỡ.

Trước những hành vi vi phạm trên, tổ công tác của UBND huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đất buộc bên thuê đất phải tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại mặt bằng ban đầu. Căn cứ mức độ, hành vi vi phạm, UBND huyện Thường Xuân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tẩm số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời buộc khắc phục hành vi vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của khu đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận quyết định xử phạt.

Cũng về vụ việc này, ngày 22/11/2023, UBND thị trấn Thường Xuân đã có báo cáo gửi UBND huyện. Theo nội dung báo cáo, ngày 10/2/2023, UBND thị trấn đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với ông Phan Văn Việt (trên đất thuê của ông Hà Văn Tuất – PV). Đồng thời ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của ông Việt số tiền 4.000.000 đồng. Trong quá trình kiểm tra, do ông Việt không xuất trình được hồ sơ liên quan về xây dựng công trình, UBND thị trấn đã yêu cầu ông Việt tạm dừng tập kết vật liệu xây dựng và dừng thi công công trình. Theo báo cáo của thị trấn trước đó, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích (như đã nêu ở trên).

Để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, UBND thị trấn đề nghị UBND huyện Thường Xuân: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng nhà xưởng trên đất trồng cây hàng năm, theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (UBND huyện mới chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích – PV). Cùng với đó, chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn thực hiện việc khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây hàng năm và đất ở.

Tiếp đó, ngày 13/12/2023, UBND thị trấn đã tiếp tục kiểm tra, lập biên bản đối với ông Phan Văn Việt, chủ cơ sở chế biến gỗ keo, về việc khắc phục sai phạm về sử dụng đất, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đã được yêu cầu trước đó. Theo nội dung biên bản, thời điểm kiểm tra, xưởng chế biến gỗ của ông Việt vẫn hoạt động bình thường.

Như vậy, theo biên bản kiểm tra mới nhất, lập ngày 13/12/2023, cũng như ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng. Cho đến thời điểm này, đã gần 7 tháng trôi qua, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt kèm yêu cầu tháo dỡ của UBND huyện, nhưng xưởng gỗ keo trái phép trên đất ở và đất nông nghiệp của ông Hà Văn Tuất và bà Lê Thị Tẩm vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp yêu cầu của UBND huyện Thường Xuân. Hành vi thách thức, coi thường pháp luật này phải chăng bắt nguồn từ sự vào cuộc, xử lý “nửa vời”, không kiên quyết của các cấp chính quyền huyện Thường Xuân?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích