Thanh Hóa: Xây dựng Nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát, không có điểm dừng
(Xây dựng) – Trong chặng đường hơn 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Thanh Hóa đã đạt được kết quả to lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, miền núi, cải thiện một bước đời sống, thu nhập của nhân dân. Từng bước tạo ra những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thăm một số gian hàng sản phẩm OCOP tại Hội chợ thương mại tỉnh năm 2020. |
Đánh giá về Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Thanh Hóa, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, người đã có nhiều năm gắn bó, tâm huyết với Chương trình. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi do phóng viên lược ghi:
Thanh Hóa là tỉnh lớn, khoảng 80% dân số sống khu vực nông thôn, với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội và vị trí địa lý, địa hình đặc thù (03 vùng: Đồng bằng ven biển, trung du và miền núi; 192km đường biên giới với nước bạn Lào; 102km đường bờ biển, 7 dân tộc anh em sinh sống). Vì vậy, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh.
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân. Thanh Hóa đã có cách làm sáng tạo riêng trong triển khai thực hiện chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương đánh giá cao và tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước (quy hoạch 3 trong 1; quy trình lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng Nông thôn mới; xây dựng Nông thôn mới cấp thôn, bản; cơ chế để lại 100% nguồn thu đấu giá đất cho các xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới); đặc biệt là việc lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, của con em xa quê thành đạt, của các doanh nghiệp chung tay, góp sức, xây dựng các thiết chế văn hóa thôn/xóm, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, sản xuất, giao thương. Qua đó, gia tăng sự sẻ chia trong cộng dân cư, tình đoàn kết, gắn bó nghĩa tình và trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó là sự lan tỏa phong trào xây dựng Nông thôn mới đến từ Trung ương với Thanh Hóa. Qua mỗi đợt thẩm định huyện Nông thôn mới của Đoàn thẩm định Trung ương, các địa phương trong tỉnh phấn đấu đạt chuẩn đều được mời tham gia để học tập kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến tham gia, góp ý của Trung ương. Từ đó, góp phần vào nhận thức, tư duy, chuyển hóa thành hành động cụ thể xây dựng Nông thôn mới theo hướng chất lượng, bền vững và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rất nhanh và rõ nét, đi vào cuộc sống với tầm vóc, vai trò, ý nghĩa và đạt được nhiều kết quả quan trọng, to lớn, nổi bật như: Toàn tỉnh đã có 08 đơn vị cấp huyện (29,63%), 330 xã (70,66%), 858 thôn, bản (25,2%) đạt chuẩn Nông thôn mới (trong đó, có 685 thôn, bản miền núi); 30 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 02 xã, 85 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; có 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; bình quân toàn tỉnh đạt 17,57 tiêu chí/xã (tăng 12,87 tiêu chí/xã so với năm 2010). Đáng chú ý, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng/người/năm (gấp 4,5 lần so với khi bắt đầu triển khai chương trình); tỷ lệ hộ nghèo ở mức 2,53% (giảm 24,43% so với khi bắt đầu triển khai chương trình). Bộ mặt nông thôn, miền núi khởi sắc, đời sống vật chất và thần của người dân đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Từ năm 2010 đến nay, trong tổng huy động nguồn lực trên 64 nghìn tỷ đồng thực hiện xây dựng Nông thôn mới, có khoảng 8 nghìn tỷ đồng tiền mặt (13,53%) và hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm ha đất, nhiều vật tư, vật liệu… do cộng đồng dân cư tự nguyện chung sức xây dựng Nông thôn mới trên quê hương mình. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, phần nhiều đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất, cá biệt một số địa phương có sự thay đổi, tiến bộ rõ nét.
Cụ thể, sau 10 năm, các xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo được 14.994km đường giao thông nông thôn; 1.462 cống tưới tiêu và công trình thủy lợi, 4.224km kênh mương; 7.801km đường dây truyền tải điện các loại, 1.131 trạm biến áp; 13.025 phòng học; 378 trụ sở xã; 554 trạm y tế xã; 600 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 3.787 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản; 575 trung tâm dịch vụ thương mại và chợ nông thôn; chỉnh trang và xây mới trên 203 nghìn nhà ở dân cư; 33.871 công trình cấp nước sinh hoạt; 1.994 công trình vệ sinh và xử lý môi trường nông thôn và 550 bãi tập kết rác thải.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tuy mới được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian hơn 3 năm (từ cuối năm 2018), nhưng với cách tiếp cận linh hoạt và những bước đi, cách làm bài bản, chắc chắn, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn, nuôi dưỡng, phát triển, đánh giá và xếp hạng được 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3-4 sao), trong đó, 01 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (5 sao); tổ chức đi vào hoạt động các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Được Trung ương lựa chọn để hỗ trợ triển khai mô hình điểm du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. thành lập Hợp tác xã OCOP Thanh Hóa (là một trong số ít địa phương trong cả nước đã thành lập được mô hình hoạt động này).
Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao, có giá trị kinh tế lớn tại Thọ Xuân. |
Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%). Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã và đang khai thác được tiềm năng, thế mạnh sản xuất sản phẩm của từng vùng, từng địa phương; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, nhất là khu vực miền núi của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, trong quá trình thực hiện và nhất là bối cảnh hiện nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đang đối diện trước nhiều khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong xây dựng Nông thôn mới, bao gồm một số vấn đề chính như sau:
Đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta từ đầu năm 2020 đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù tỉnh xác định quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên các yếu tố khách quan do đại dịch gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới .
Hầu hết các xã chưa đạt chuẩn là các xã có xuất phát điểm thấp. Trong tổng số 137 xã còn lại chưa đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh, có 114 xã thuộc khu vực miền núi, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó có toàn bộ 7 xã của huyện Mường Lát), các xã thuộc huyện nghèo 30a, đây là những xã có xuất phát điểm rất thấp, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn, địa hình chia cắt, suất đầu tư lớn.
Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ; chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị còn chưa nhiều; chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu tự phát, hiệu quả chưa ổn định; kết nối thị trường chưa thông suốt; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó khăn.
Ở không ít địa phương, tình trạng bêtông hóa từ khuôn viên hộ gia đình ra nơi công cộng (các công trình phúc lợi, đường làng, ngõ xóm…) cùng với đó là vấn đề thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí từ chăn nuôi ở nhiều xã gặp khó khăn, có nơi trở thành vấn đề nổi cộm, đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cảnh quan và chất lượng môi trường nông thôn, kéo theo bản sắc, hồn cốt nông thôn xanh đang dần mai một.
Xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng của một bộ phận cán bộ và nhân dân sau khi đã đạt chuẩn ở một số địa phương, dẫn đến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững (như hộ nghèo giảm, song hộ cận nghèo tăng).
Vùng chuyên canh cam lòng vàng Như Xuân, sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Từ thực tiễn sinh động của quá trình xây dựng Nông thôn mới hơn 10 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm cốt lõi sau đây: Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, trong đó, vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định. Làm tốt công tác tuyền truyền để từng cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, hội viên, các cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu cuối cùng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng Nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn, quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp;
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước các cấp, huy động tối đa nguồn lực trong dân để xây dựng hạ tầng thiết yếu, tạo sức bật để các địa phương khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế – xã hội, công khai, minh bạch và thực hiện tốt dân chủ cơ sở, phát huy cao nhất vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và người dân thi đua chung sức xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cũng như động viên, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, nghiêm khắc phê bình, kỷ luật những cá nhân, tập thể có tư tưởng chần chừ, ngại khó.
Trong giai đoạn mới. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ngày càng phải nâng cao về chất, gồm cả về quy mô cấp độ và mức độ, đây cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển mà Trung ương đã định hướng để triển khai thực hiện. Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn Nông thôn mới; trong đó, có 4 huyện và 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 10% số xã và 10% số thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Bình quân mỗi xã có 01 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 – 4 sao); toàn tỉnh có 05 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao) trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa cần đề ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để hoàn thành và phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu đề ra:
Tiếp tục, tăng cường, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện chương trình.
Đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn tới từng thôn, bản, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân ở nông thôn.
Có cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã miền núi, xã khó khăn xây dựng Nông thôn mới, để khuyến khích, kích cầu, tạo sức bật cho nhóm xã này đạt chuẩn Nông thôn mới.
Tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện chủ trương tiếp tục xây dựng Nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững, với phương châm” xây dựng Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Thanh Hóa với tinh thần thống nhất nhận thức: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là trụ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, phải tập trung phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai sâu, rộng Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống cho dân nông thôn.
Đồng thời, cần tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và từ nhân dân trên cơ sở các quy định của Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.
Trên cơ sở công tác quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản và có tầm nhìn chiến lược, gắn với đặc trưng vùng, miền, địa phương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái, gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ. Bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp và an toàn, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn, chỉnh trang khu vực nông thôn theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo hệ thống tập trung. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Nguồn: Báo xây dựng