Thanh Hóa: Vì sao hàng nghìn hộ dân từ chối dùng nước sạch của nhà máy?

Thanh Hóa: Vì sao hàng nghìn hộ dân từ chối dùng nước sạch của nhà máy?

Thanh Hóa – Cho rằng nhà máy nước thu phí quá cao và nghi ngại vấn đề chất lượng nước, nhiều hộ dân ở xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã quyết định chưa dùng nước sạch, dù nhà máy nước đã đi vào hoạt động khoảng 2 năm nay.

Nhiều người dân tại xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho hay, mặc dù Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp (đóng tại địa phương) đã đi vào hoạt động một thời gian dài, tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà dùng nước của nhà máy này.

tm-img-alt
Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp (ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quách Du

Lý do là bởi chi phí đóng tiền đấu nối (tiền đóng ban đầu) quá cao, cùng với đó là nghi ngại về chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, vì xung quanh nhà máy này là hệ thống kênh mương có nguồn nước không sạch sẽ.

Ghi nhận thực tế tại khu vực nhà máy này cho thấy, các công trình, hạng mục cơ bản đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Duy nhất chỉ còn khu vực tiếp giáp với 1 nhà dân chưa hoàn thiện việc xây tường rào và vẫn thông với khu vực cánh đồng của thôn.

Chia sẻ với Lao Động, bà Quản Thị Đô (78 tuổi, trú tại thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) cho biết, vừa qua người dân cùng với chính quyền địa phương và đại diện Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp tổ chức họp bàn về vấn đề sử dụng nước sạch của nhà máy. Tại cuộc họp này, nhiều hộ dân chưa mặn mà sử dụng nước từ nhà máy.

tm-img-alt
Bà Quản Thị Đô (trú tại thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp) trao đổi về sự việc. Ảnh: Quách Du

“Xung quanh nhà máy nước là hệ thống kênh mương với nguồn nước có phần bẩn, nhiều người cho rằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước trong nhà máy. Do đó, nhiều hộ chưa sử dụng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe” – bà Đô chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phùng Bá Duy – Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp có tổng số vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng và được đưa vào vận hành cách đây khoảng 2 năm. Dự án này cung ứng nước sạch cho 6 xã gồm: Xã Thiệu Hợp, Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Thịnh, Thiệu Giang và Thiệu Quang.

tm-img-alt
tm-img-alt
Hệ thống kênh mương xung quanh nhà máy nước. Ảnh: Quách Du

“Trên địa bàn xã Thiệu Hợp hiện nay có khoảng 300 hộ/1.500 hộ lắp đường ống và sử dụng nước sạch của nhà máy, còn lại các hộ dân khác vẫn chưa. Các hộ chưa đồng thuận dùng nước sạch vì cho rằng số tiền phí đấu nối (tiền đóng ban đầu) quá cao, lên tới 5,5 triệu đồng/1 hộ” – ông Duy thông tin.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, việc người dân cho rằng xung quanh nhà máy nước có hệ thống kênh mương với nhiều nước bẩn. Vấn đề này là do trước đây Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp xây dựng trên bãi đất hoang, sau khi hoàn thiện, xung quanh nhà máy có hệ thống kênh mương, tạo thành nguồn nước đọng.

tm-img-alt
Khu vực đường ống dẫn nước từ sông Chu vào nhà máy nước. Ảnh: Quách Du

“Không có chuyện lấy nước xung quanh khu vực nhà máy để sản xuất nước sạch, mà nguồn nước được lấy từ khu vực sông Chu. Còn về chất lượng nguồn nước cũng được các cơ quan chức năng chuyên môn tiến hành kiểm định định kỳ theo hàng tháng, hàng quý” – ông Duy cho hay.

Được biết, hiện nay toàn bộ khu vực Nhà máy nước sạch Thiệu Hợp, có diện tích 20.000 mét vuông, chỉ còn 2.000 mét vuông đất ruộng của một hộ dân vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Do đó, tại khu vực chưa giải phóng của nhà máy, cơ sở hạ tầng có phần nhếch nhác, chưa đồng bộ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích