Thanh Hóa: Trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Thanh Hóa: Trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững

MTĐT –  Thứ tư, 05/10/2022 16:19 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý và chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi

Là địa phương có nhiều diện tích rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương với các loài cây dược liệu đa dạng, nhưng việc khai thác nguồn cây dược liệu không có sự quản lý đã dẫn đến rất nhiều loài cây thuốc suy giảm về số lượng, một số loài có nguy cơ mất nguồn gen, vì vậy Hạt Kiểm lâm Thạch Thành đã và đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng Hàm Yên, trà hoa vàng Cúc Phương tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2021-2023)”.

Trong 2 năm thực hiện đề tài khoa học, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành tiến hành nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm hai loài dược liệu trà hoa vàng Hàm Yên, trà hoa vàng Cúc Phương.

Đồng thời, xây dựng vườn giữ giống hai loài dược liệu rộng 1.000m2 và vườn ươm giống rộng 1.000m2 công suất 5.000 cây giống xuất vườn/năm.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành cũng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nhân giống, trồng thương phẩm để giúp người dân miền núi tăng thêm thu nhập từ trồng 2 loài cây này.

Hoạt động này góp phần bảo tồn thành công hai loài dược liệu quý, phù hợp với mục tiêu của chương trình bảo tồn và xây dựng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thanh Hóa.

Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo bền vững, tháng 3/2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu tại huyện Quan Sơn, quy mô 5 ha (trong đó có 2 ha hà thủ ô đỏ, 2 ha thổ phục linh và 1 ha mã tiền) với 30 hộ dân tham gia. Kinh phí thực hiện dự án trên 3,5 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng, số kinh phí còn lại tự huy động các nguồn hợp pháp khác.

Để nhân rộng và phát triển cây dược liệu, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung có chất lượng cao tại khu Vũng Cộp thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, quy mô 250 ha.

Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất (là đơn vị hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nơi đây)… Do vùng đất Vũng Cộp khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 – 25 độ C, độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, đất đai phù hợp, nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sau gần 5 năm xây dựng, người dân xã Sơn Thủy đã phát triển được hàng trăm ha cây dược liệu.

Một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao, như: mã tiền, hà thủ ô đạt 400 triệu đồng/ha; thổ phục linh đạt 200 triệu đồng/ha… Việc áp dụng thành công dự án, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang trồng theo mô hình công nghiệp có giá trị cao.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 94.000 ha dược liệu dưới tán rừng hầu hết những loại dược liệu quý đều tập trung tại những khu bảo tồn thiên nhiên. Để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, trong đó đặc biệt chú trọng đến cây dược liệu của các địa phương và các sản phẩm lợi thế; những năm qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, các đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực miền núi nói chung và phát triển sản xuất nông nghiệp miền núi nói riêng.

Tại các địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học để xây dựng, phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế. Kết quả, giai đoạn 2016-2021, tại 11 huyện miền núi đã xây dựng được 206 mô hình, gồm 86 mô hình cây trồng, 82 mô hình vật nuôi, 16 mô hình phát triển dược liệu và 22 mô hình sản phẩm lợi thế, với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ đầu tư gần 130 tỷ đồng. Cụ thể: Huyện Mường Lát xây dựng được 43 mô hình (gồm: 13 mô hình cây trồng, 17 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 12 mô hình sản phẩm lợi thế); huyện Quan Hóa có 3 mô hình (1 mô hình cây trồng, 2 mô hình vật nuôi), trong đó mô hình trồng thâm canh khoai mán ruột vàng quy mô 11,7 ha cho lợi nhuận 7 triệu đồng/ha/năm.

Huyện Quan Sơn có 4 mô hình chăn nuôi lợn lòi lai, lợn cỏ dưới tán rừng và 2 mô hình phát triển dược liệu, trồng các loại cây như: sa nhân, hà thủ ô, mã tiền, thổ phục linh. Huyện Bá Thước có 24 mô hình (10 mô hình cây trồng, 14 mô hình vật nuôi), nổi bật là các mô hình nuôi vịt Cổ Lũng và trồng cây quýt hôi, quýt bản địa.

Huyện Như Xuân có 4 mô hình (1 mô hình cây trồng, 1 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 1 mô hình sản phẩm lợi thế), nổi bật là mô hình trồng cây hương bài quy mô 2 ha, lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Huyện Ngọc Lặc đang thực hiện mô hình trồng sản xuất thử một số giống cây keo nuôi cấy mô…

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế ở các địa phương khu vực miền núi thời gian qua còn nhiều hạn chế do phần lớn quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm phục vụ tự cung tự cấp tại địa phương, chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường, chưa thực sự phát huy được sản phẩm lợi thế của các huyện miền núi; nhiều mô hình không duy trì, phát huy được khi kết thúc hỗ trợ của Nhà nước do các chủ thể mô hình là các hộ nghèo, thiếu nguồn vốn và kiến thức sản xuất…

Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các huyện miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng và hoàn thiện Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025”.

Với mục tiêu, đến năm 2025, sẽ phát huy được 43 đối tượng cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi. Tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh (hộ gia đình làm chủ mô hình và lao động thuộc hộ nghèo làm công thường xuyên từ các mô hình).

Xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên. Hiện đề án đang xin ý kiến góp ý của các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện.

Thanh Mai (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích