Thanh Hóa: Tổ chức lễ hội Đền bà Triệu – nữ hào kiệt “làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”

(Xây dựng) – Sáng 11/3, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Bà Triệu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thanh Hóa: Tổ chức lễ hội Đền bà Triệu - nữ hào kiệt “làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”
Đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Hậu Lộc.

Lễ hội bắt đầu với nghi thức tấu trình chúc văn, dâng hương kính cáo và phát biểu khai mạc. Sau đó là lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa mang chủ đề “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh – rạng ngời trang sử vàng dân tộc”.

Diễn ra trong hơn một tiếng, chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm: Trích đoạn tuồng “Triệu Trinh Nương đề cờ” và một số ca khúc về mảnh đất, con người xứ Thanh trên đường đổi mới đã tái hiện cuộc khởi nghĩa oanh liệt của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Theo sử sách, cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Ngô của Bà Triệu và anh trai Triệu Quốc Đạt diễn ra vào năm 248 tại miền Quan Yên, quận Cửu Chân. Từ núi rừng nghĩa quân nhanh chóng tập hợp lực lượng, tiến xuống đánh hạ thành Tư Phố rồi lập căn cứ tại Bồ Điền, thanh thế ngày càng lớn mạnh khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ. Nghĩa quân đã liên tiếp đánh hạ nhiều thành trì, chém chết viên thứ sử Giao Châu giữa trận tiền.

Trước thanh thế của quân Bà Triệu, nhà Ngô đã phải cử tướng Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, mang binh hùng, tướng mạnh sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Do bất lợi về quân số, sau nhiều ngày cầm cự, Bà Triệu và nghĩa quân bị giặc vây hãm tại núi Tùng (thuộc Hậu Lộc ngày nay). Sau một trận đánh ác liệt, trước khi giặc tràn lên núi, không để rơi vào tay quân Ngô làm ô uế thanh danh, sau khi vái lạy trời đất, tổ tiên, thốt lên câu nói đầy khí phách “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần), bà Triệu đã rút gươm tuẫn tiết, hưởng dương 23 năm. Hôm ấy nhằm ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn. Sự hy sinh oanh liệt cùng khí phách của bà đã làm giặc Ngô khiếp đảm, suy tôn bà là “Lệ Hải Bà Vương”.

Ghi nhận công đức của Vua Bà, người dân nhiều vùng ở quận Cửu Chân, tức Thanh Hóa ngày nay đã xây dựng lăng mộ và nhiều đền thờ bà (trong đó có lăng mộ và đền thờ tại núi Tùng), để hương khói và tổ chức lễ hội tưởng nhớ hàng năm vào đúng ngày bà tuẫn tiết.

Thanh Hóa: Tổ chức lễ hội Đền bà Triệu - nữ hào kiệt “làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”
Thanh Hóa: Tổ chức lễ hội Đền bà Triệu - nữ hào kiệt “làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”
Các nghi thức kính cáo, tấu trình chúc văn tại lễ hội.

Với những nghi thức có từ xa xưa, được tiến hành trang trọng và nghiêm cẩn như: Lễ như đọc chúc văn, lễ trình, lễ mộc dục, lễ tế nữ quan, lễ tế cung đình… Đặc biệt là lễ rước kiệu mang tính thượng võ với sự tham gia của đông đủ các bô lão, chức sắc, trai thanh nữ tú, đoàn rước đi trong tiếng trống, chiêng và rừng cờ phướn rợp trời đủ kích cỡ, sắc màu, cùng võng lọng, hương án, đồ thờ và binh khí… như một con rồng uốn lượn, kéo dài hàng trăm mét, đóng vai trò “điểm nhấn” của lễ hội, mang lại phấn khích cho du khách, nhất là những lúc “kiệu bay” khi qua ngã ba, ngã tư hoặc khi quay đầu.

Thanh Hóa: Tổ chức lễ hội Đền bà Triệu - nữ hào kiệt “làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”
Hàng nghìn du khách và người dân địa phương về tham gia lễ hội.

Cùng với phần lễ được tiến hành trang nghiêm, kính cẩn. Phần hội của lễ hội sẽ có những trò chơi, trò diễn dân gian như: Kéo co, đấu vật, cờ người, thi nấu cơm… Trong đó có trò “Ngô – Triệu giao tranh”, tái hiện mang tính ước lệ những trận thư hùng giữa nghĩa quân và giặc Ngô.

Trải qua hơn 1.700 năm, bất chấp những thăng trầm của lịch sử đất nước, lễ hội Đền Bà Triệu, một lễ hội được đánh giá lâu đời nhất, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất vẫn luôn được gìn giữ, phát huy và lưu đậm dấu ấn trong tiềm thức dân gian của các thế hệ người Việt. Cùng với đó, lễ hội còn mang tính giáo dục sâu sắc về tinh thần quật khởi, lòng yêu nước nồng nàn “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của cha ông đối với thế hệ trẻ ngày nay. Với những giá trị to lớn ấy, lễ hội Đền bà Triệu đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn, phát huy và truyền lại cho muôn đời con, cháu mai sau.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích