Thanh Hóa thành lập loạt dự án khu đô thị, khu công nghiệp mới
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND huyện Đông Sơn và Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa về việc giao nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị nông nghiệp sinh thái tại huyện Đông Sơn.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị nông nghiệp sinh thái tại khu vực phía Đông tuyến đường cao tốc Bắc – Nam (thuộc huyện Đông Sơn); diện tích nghiên cứu khoảng 100ha.
Phương án quy hoạch chi tiết được yêu cầu phải phù hợp với định hướng quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 được duyệt. Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm hướng dẫn Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa tổ chức triển khai thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới 2 xã Đông Khê và Đông Ninh, thuộc huyện Đông Sơn, có quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 99.683m2, vốn đầu tư dự án khoảng 104 tỷ đồng, bao gồm 338 lô đất ở liền kề, 40 lô đất ở biệt thự và đất thương mại dịch vụ. Diện tích đất còn lại được sử dụng để làm giao thông, bãi đỗ xe, nhà văn hóa và khuôn viên cây xanh.
Ngày 28/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè, huyện Thọ Xuân. Dự án khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè có quy mô khoảng 10,8ha, với tổng mức đầu tư khoảng 625,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án khoảng 605,1 tỷ đồng; chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 20,6 tỷ đồng.
Dự án bao gồm các hạng mục như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở (nhà liền kề, nhà biệt thự). Trong đó, nhà ở sẽ có 422 căn liền kề, 37 căn biệt thự và 10 lô đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi nhà ở, đất ở phục vụ giải phóng mặt bằng.
Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, nhà đầu tư trúng thầu phải huy động 100% nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định. Dự kiến, dự án được chia làm 3 giai đoạn.
Cụ thể, từ quý IV/2021 – quý III/2022, thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án; từ quý IV/2022 – quý I/2025, hoàn thành đầu tư xây dựng dự án; từ quý II/2025 – quý III/2025, hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quyết toán dự án theo quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chấp thuận đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới phía Đông Bắc thị trấn Tân Phong tại huyện Quảng Xương với quy mô 67,5ha.
Khu đô thị mới có tính chất là khu đô thị đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 67,5ha, với các hạng mục như đất dân cư mới, dân cư cải tạo và đất công cộng đô thị (gồm đất trung tâm thể thao, đất trường học, đất hỗn hợp, đất dịch vụ thương mại, đất cây xanh).
Sau khi quy hoạch được duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, các vấn đề về đầu tư, đất đai, tài chính khác có liên quan được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Kinh phí công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Hải tài trợ. Tuy nhiên, về vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Công ty Hoàng Hải phải có cam kết không có các điều kiện ràng buộc và không yêu cầu hoàn trả trong bất kỳ trường hợp nào.
Được biết, quy hoạch chung thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 16/6/2021. Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Đây là thị trấn huyện lị, trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của huyện Quảng Xương, đồng thời là đầu mối giao thương, dịch vụ thương mại, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có vai trò kết nối, hỗ trợ TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung thị trấn khoảng 1.463ha.
Ngày 29/7, văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Hà Long I, huyện Hà Trung. Cụm công nghiệp Hà Long I có diện tích khoảng 74,8ha tại địa bàn xã Hà Long, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Các ngành nghề sẽ hoạt động trong cụm công nghiệp này gồm: Sản xuất hàng chăn ga, thảm dệt, thiết bị y tế, sản xuất giấy, thời trang may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm; các ngành nghề phụ trợ ngành công, nông nghiệp…
Từ quý III/2021 đến quý IV/2022 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích khoảng 30ha, quý IV/2022 bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện thủ tục đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa hiện có 55 dự án đã hết hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư, cần xem xét, có hướng giải quyết. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã đồng ý đề xuất cho dừng 2 dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cùng 7 dự án tại các huyện, thị xã, thành phố.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, đây là những dự án đã được các ngành, địa phương tạo điều kiện gia hạn nhiều lần nhưng chủ đầu tư không còn mặn mà, thậm chí có ý kiến được chấm dứt đầu tư.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thành thủ tục và có văn bản báo cáo UBND tỉnh về nguyên nhân cũng như đề xuất dừng các dự án trước ngày 30/7.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cũng được yêu cầu phối hợp, rà soát thêm các dự án không triển khai hoặc chậm nhiều năm theo đề nghị của đại diện UBND TP. Thanh Hóa để có hướng giải quyết, chấm dứt những dự án quá lâu hoặc tháo gỡ khó khăn liên quan để gia hạn thêm, yêu cầu chủ đầu tư vào cuộc triển khai./.