Thanh Hóa: Tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm hơn 7,7%

(Xây dựng) – Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,72%. Công nghiệp – xây dựng tăng 10,28% (riêng công nghiệp tăng 11,13%); dịch vụ tăng 7,15%; thuế sản phẩm giảm 0,04%.

Thanh Hóa: Tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm hơn 7,7%
Thanh Hóa tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm hơn 7,7% (V.T).

Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được quan tâm chỉ đạo và có bước phát triển khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,57 triệu tấn, bằng 103% kế hoạch. Đã tích tụ, tập trung đất đai được 5.773ha, đạt 81,3% kế hoạch; chuyển đổi 2.458,9ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi phát triển ổn định, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 216,2 nghìn tấn, bằng 74,5% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trồng mới 9.000ha rừng tập trung, bằng 90% kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ, không để xảy ra cháy rừng. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 178.747 tấn, tăng 3,8%, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 116.728 tấn, tăng 4,1%.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Đã có thêm 13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và 122 sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm tại chỗ để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra; tập trung triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm đưa vào sử dụng.

Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm thực hiện; đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trong triển khai thực hiện các dự án; chỉ số giá xây dựng được công bố định kỳ hằng tháng, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích