Thanh Hóa: Tạm giữ hơn 140 bình gas chai (LPG chai) dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Vừa qua, Đội QLTT số 10 (Cục QLTT Thanh Hóa) đã tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô BKS 36C-03131, lái xe kiêm chủ hàng là Phan Văn Khải đang đậu đỗ tại khu vực P.An Hưng, TP.Thanh Hóa, hàng hóa trên xe vận chuyển là 66 bình LPG chai mang nhãn hiệu Tân Thành.

Cùng thời điểm, Đội QLTT số 10 tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Hoàng Văn Mười (địa chỉ xã Thiệu Công, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Qua kiểm tra, phát hiện Hộ kinh doanh Hoàng Văn Mười đang kinh doanh LPG Chai mang nhãn hiệu Tân Thành. Số lượng 77 chai.

Quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xác định hàng hóa của 2 vụ việc trên đều có dấu hiệu giả nhãn hàng hóa Công ty TNHH MTV Tân Thành 8, Đội QLTT số 10 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm của 2 vụ việc trên với tổng 143 bình gas chai (LPG chai) mang nhãn hiệu Tân Thành.

 Cán bộ Đội QLTT số 10 kiểm tra tem chống giả dán trên hàng hóa.

Lực lượng chức năng tiếp tục đấu tranh và làm việc với ông Hoàng văn Mười, chủ hộ kinh doanh Hoàng Văn Mười; ông Phan Văn khải, chủ hàng hóa vận chuyển trên xe ô tô BKS 36C-03131 và phối hợp với Công ty TNHH MTV Tân Thành 8 để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Theo đó, hộ kinh doanh Hoàng Văn Mười do ông Hoàng Văn Mười là chủ hộ kinh doanh đã có hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa (77 bình LPG chai). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 56.672.000 đồng. Ông Phan Văn Khải, chủ lô hàng hóa trên xe ô tô BKS 36C-03131 đã có hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa (66 bình LPG chai). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 48.576.000 đồng.

Xét thấy cả 2 vụ việc trên có dấu hiệu hình sự, Đội QLTT số 10 báo cáo và đề xuất Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật phương tiện tạm giữ có liên quan đến 2 vụ việc trên đến Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định về an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai

An toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai được quy định tại Điều 53 Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí (có hiệu lực 01/08/2018) theo đó:

Cửa hàng phải có diện tích tối thiểu 12 m2. Cửa hàng phải cách ly với các nguồn gây cháy ít nhất 03 m về phía không có tường chịu lửa; nếu có tường chịu lửa thì không yêu cầu khoảng cách giữa nguồn gây cháy và cửa hàng. Kết cấu xây dựng, bậc chịu lửa của cửa hàng tối thiểu bậc II. Thiết bị điện của cửa hàng phải là loại phòng nổ, cách chai LPG tối thiểu 1,5 m.

Chỉ được phép trưng bày trên giá quảng cáo những chai không chứa LPG. Nơi chứa chai LPG phải bảo đảm thông thoáng. Không được bố trí trong phòng kín, hầm kín, không được cất giữ chai LPG ở khu vực cửa ra vào, lối đi công cộng. Trường hợp có kho chứa LPG chai, kho phải có ít nhất 01 cửa chính và 01 lối thoát dự phòng có cửa mở ra phía ngoài. Không được tiến hành sửa chữa chai, nạp LPG tại cửa hàng.

Quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 87/2018/NĐ-CP. Theo đó: Không mua, bán LPG chai và chai LPG không có nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, không phù hợp với hợp đồng. Lựa chọn và treo biểu hiệu, biểu tượng của thương nhân mà cửa hàng ký hợp đồng bán LPG chai.

Chỉ được bán LPG chai của thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực mà cửa hàng đã ký hợp đồng còn hiệu lực; không bán LPG chai mini không đảm bảo an toàn theo quy định. Không chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký. Niêm yết giá bán LPG chai và bán đúng giá niêm yết; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng chai LPG bán cho khách hàng.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích