Thanh Hóa: Sửa chữa, cải tạo làng học sinh trường THPT Mường Lát

(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình: Sửa chữa, cải tạo làng học sinh trường THPT Mường Lát, huyện Mường Lát, sau phản ánh của Báo điện tử Xây dựng.

thanh hoa sua chua cai tao lang hoc sinh truong thpt muong lat
Làng học sinh trường THPT Mường Lát được cải tạo, sửa chữa.

Theo đó, sẽ thực hiện sửa chữa một số hạng mục như nhà quản lý có quy mô 1 tầng, tầng trệt diện tích xây dựng 65,7m2; nhà ở học sinh (30 cái) mỗi công trình có quy mô 1 tầng, tầng trệt, diện tích xây dựng 51,8m2/cái; 3 khu nhà tắm, 2 nhà vệ sinh; hệ thống điện chiếu sáng công cộng; hệ thống cấp nước sinh hoạt… Đồng thời xây dựng mới các hạng mục công trình phụ trợ như: Nhà sinh hoạt chung; đường vào làng học sinh và đường nội bộ bên trong; cống, tường rào.

Công trình có tổng mức đầu tư 7,5 tỷ đồng, thuộc loại công trình dân dụng cấp III, do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Mường Lát làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện không quá 2 năm (2021 – 2022), nguồn vốn lấy từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngân sách tỉnh.

Làng học sinh trường THPT Mường Lát đươc xây dựng từ năm 2006 là nơi sinh hoạt, học tập của học sinh các bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn thuộc các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ mú, của huyện Mường Lát. Đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến học tập, ăn ở của học sinh.

Trao đổi với thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thi công, theo dự kiến của chủ đầu tư và đơn vị thi công khoảng hơn tháng nữa là đưa công trình cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng tạo điều kiện cho học sinh ở bán trú (phần lớn các em là học sinh hộ nghèo, dân tộc thiểu số) có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, đảm bảo học sinh an toàn, góp phần nâng cao giáo dục ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, vẫn còn 1 hạng mục nữa chưa được chủ đầu tư đưa vào cải tạo nâng cấp đó là con đường từ cổng trường kết nối với Tỉnh lộ 521D có chiều dài khoảng hơn 100m, hiện tại đang là đường đất, trời nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt gây khó khăn cho học sinh khi tới trường. Nhà trường cũng rất mong ban ngành các cấp tạo điều kiện giúp đỡ để góp phần nâng cao giáo dục ở khu vực miền núi.

thanh hoa sua chua cai tao lang hoc sinh truong thpt muong lat
thanh hoa sua chua cai tao lang hoc sinh truong thpt muong lat
thanh hoa sua chua cai tao lang hoc sinh truong thpt muong lat
Một số hình ảnh sửa chữa, cải tạo làng học sinh trường THPT Mường Lát.

Ông Hà Văn Chiến – Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Mường Lát cho biết: Hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình – Sửa chữa, cải tạo làng học sinh trường THPT Mường Lát, trong đó không có hạng mục cải tạo con đường nối với Tỉnh lộ 521D. Ban sẽ quan tâm đến nội dung này và sẽ đề xuất với lãnh đạo UBND huyện.

Theo tìm hiểu được biết, công trình làng học sinh trường THPT Mường Lát có 15 nhà được đầu tư từ nguồn vốn tổ chức Tere Deshmmer Cộng hòa liên bang Đức, xây dựng năm 2005. Giai đoạn 2 có 15 nhà được đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của Tập đoàn Viettel, xây dựng năm 2010. Mỗi nhà khoảng 6-8 em học sinh ở, có thời điểm trên 10 em/nhà.

Năm 2013, huyện Mường Lát đã đầu tư sữa chữa bằng nguồn vốn ngân sách huyện như làm lại phần mái 30 căn nhà, xây tường lại 11 căn, thay mới dây dẫn và thiết bị điện, láng nền gầm sàn nhà, sữa chữa nhà bếp, nhà vệ sinh, bể chứa nước, cổng, tường rào, trực bảo vệ, làm đường giao thông nội bộ, hoàn thiện lại hệ thống cấp nước và hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Sau khi công trình hoàn thành đã có 400 học sinh bán trú vào ở, sinh hoạt tại cơ sở này.

Tuy nhiên, do thời gian đầu tư đến nay đã hơn 7 năm, các hạng mục đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của phóng viên, hiện các hạng mục thiếu nước sinh hoạt, nhà dột, tường, nền nhà bong tróc, hệ thống điện sinh hoạt, cửa, nhà vệ sinh, bếp nấu hư hỏng không thể sử dụng được… thiếu nhà tắm, bể nước, cổng, đường vào trường, hệ thống tường rào chưa được đầu tư gây khó khăn trong việc quản lý học sinh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích