Thanh Hóa: Những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới
(Xây dựng) – Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp, 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Thanh Hóa đạt được những kết quả tích cực. |
Những kết quả toàn diện
Tổng huy động nguồn lực trong chương trình xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.821,1 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt… Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng NTM; có 346 xã, 902 thôn bản đạt chuẩn NTM, 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã và 234 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt chuẩn NTM 17,7 tiêu chí/xã. 196 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản của Thanh Hóa đạt kết quả khá; đã thực hiện chuyển đổi 1.196ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, trồng rừng mới đạt 5.820ha. Toàn tỉnh có 789 HTX, trong đó 490 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trên 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Công tác giáo dục được các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đầu tư xây dựng nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. 6 tháng đầu năm 2022 có thêm 87 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó, 48 trường Mầm non; 09 trường Tiểu học; 28 trường THCS; 02 trường THPT. Đến nay, có 465 xã đều đạt 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 98,9%, 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thường xuyên góp phần nâng tỉ lệ người lao động qua đào tạo.
Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đã tạo việc làm mới cho 29.650 lao động, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc làm.
Tình hình dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát ổn định; công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được quan tâm chú trọng; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở được tăng cường, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản dễ dàng hơn, có chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí…
Phát huy nội lực, lấy dân làm chủ thể
Để đạt được những kết quả trên, trao đổi với chúng tôi, đại diện Văn phòng điều phối NTM cho biết: Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, do vậy, Thanh Hóa đã tổ chức triển khai quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về xây dựng NTM. Đặc biệt, xác định phải chủ động, sáng tạo, sâu sát; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và của Ban chỉ đạo, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung tay xây dựng NTM.
Cũng theo đại diện Văn phòng điều phối NTM, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ để có sự điều chỉnh và giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, nhất quán phương châm chỉ đạo là xây dựng NTM phải gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Đặc biệt xác định lấy người dân là chủ thể, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình, dựa vào nội lực là căn bản và tích cực, tự giác, sáng tạo trong quá trình tham gia xây dựng NTM…
Với nhận thức và phương châm hành động, tổ chức thực hiện trên, tin rằng, Thanh Hóa sẽ hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm có thêm 01 huyện, 13 xã, 55 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 82 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng