Thanh Hóa: Nhiều tuyến đường bị hư hỏng kết cấu hạ tầng sau cơn bão số 3

(Xây dựng) – Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã gây sạt lở taluy dương, taluy âm, mặt đường, cầu, cống… làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thanh Hóa: Nhiều tuyến đường bị hư hỏng kết cấu hạ tầng sau cơn bão số 3
Quốc lộ 15 huyện Quan Hóa, đoạn Km26+050 bị sạt lở do ảnh hưởng bão số 3.

Tình hình thiệt hại trên các tuyến quốc lộ

Thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, tại Quốc lộ 15 sau mưa bão số 3 đã bị sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, sa bồi cống hơn 16 vị trí, khối lượng khoảng 2.465m3; trong đó có vị trí Km26+050 sạt lở gây tắc đường, thời điểm báo cáo đã thông xe. Sạt lở taluy âm vị trí Km55+470 với chiều dài 40m địa bàn xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa.

Tại Km20+850/Quốc lộ15 (trái tuyến) địa phận xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa xuất hiện vết nứt taluy dương, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 200m, chiều cao khoảng 15-30m, bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1,0m;

Quốc lộ 15C bị sạt lở taluy âm tại 01 vị trí với chiều 30m tại Km64+980, sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc hơn 46 vị trí, khối lượng khoảng 3.505m3; trong đó có vị trí Km98+820 sạt lở gây tắc đường, thời điểm báo cáo đã thông xe. Lún sụt mặt đường tại 01 vị trí Km88+750 – Km88+810 với diện tích khoảng 350m2. Riêng vị trí lún sụt nền mặt đường tại Km88+750 – Km88+810, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành tình huống khẩn cấp đối với vị trí này tại Quyết định số 1105/QĐ-BGTVT ngày 05/9/2024, đến nay tiếp tục có hiện trượng lún sụt toàn bộ nền mặt đường gây nguy cơ cao đứt đường, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản thông báo phân luồng giao thông qua vị trí sạt lở nêu trên.

Trao đổi qua điện thoại, ông Quách Văn Thìn (50 tuổi), một người dân huyện Mường Lát cho biết: “Vị trí này đã được cơ quan có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện giải pháp khắc phục, sau khi bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vị trí này lại bị hư hỏng trầm trọng hơn. Để đảm bảo an toàn giao thông, tôi thấy các cơ quan chức năng đã thông báo cho người và phương tiện dừng lưu thông qua đoạn tuyến này và phân luồng giao thông tạm thời”.

Tại Quốc lộ 16 sạt lở taluy âm tại 2 vị trí với chiều 30m tại Km34+600, Km35+400 địa phận xã Mường Lý, huyện Mường Lát, sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc hơn 30 vị trí, khối lượng khoảng 3.176m3; trong đó có 04 vị trí sạt lở gây tắc đường tại Km0+200, Km11+980, Km12+550, Km32+200, thời điểm báo cáo đã thông xe.

Công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục, đảm bảo giao thông

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết: “Khi mưa lũ xảy ra, Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì, các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương triển khai kiểm tra, rà soát, cập nhật, báo cáo tình hình thiệt hại trên các tuyến đường để kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp xử lý, đảm bảo giao thông như: Phát cây, hót sa bồi, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu… Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông… nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Vì vậy, ngoài các vị trí tràn bị ách tắc cục bộ nêu trên, các vị trí sạt lở, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đến thời điểm báo cáo đã được xử lý đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn”.

Thanh Hóa: Nhiều tuyến đường bị hư hỏng kết cấu hạ tầng sau cơn bão số 3
Quốc lộ 15 huyện Quan Hóa đoạn Km26+050 đã được thông tuyến.

Được biết, sau hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thể tiếp tục có mưa lớn, đặc biệt là tại các khu vực miền núi. Các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa vẫn đang chỉ đạo các Sở, ngành, các đơn vị liên quan tăng cường tuần đường, kiểm tra, cập nhật thiệt hại và thực hiện xử lý, đảm bảo an toàn giao thông.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chú ý quan sát các dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài ngày, có tiếng động lạ, vết nứt, nước suối chuyển màu; đất đá rơi từ trên taluy xuống đường… để chủ động phòng tránh. Khẩn trương di dời người dân ra khỏi khu vực ven sông, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, hạn chế di chuyển trong mưa lũ, không đi qua ngầm, tràn, đường giao thông đang ngập sâu hoặc nước chảy xiết. Không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi mưa lớn, có lũ, không lại gần hoặc đi qua khu vực, tuyến đường nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là trong đêm tối.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích