Thanh Hóa: Nhiều địa phương thiệt hại do mưa lũ
(Xây dựng) – Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tại tỉnh Thanh Hóa trong những ngày gần đây, nhiều địa phương vùng hạ du bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa to và thủy điện xả lũ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an thành phố Thanh Hóa bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, ngăn các loại phương tiện có tải trọng lớn lưu thông trên các tuyến đường đê. |
Tại huyện Thiệu Hóa, hàng trăm tiểu thương đang buôn bán tại chợ Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa, trắng đêm chạy lũ khi nước sông Chu dâng cao. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương huy động khoảng 2.000 người hỗ trợ trước nguy cơ nước lên nhanh.
Vào lúc 21h ngày 22/9, chính quyền địa phương phát đi thông báo khẩn về việc xả lũ của thủy điện Cửa Đạt, Cẩm Thủy khiến nước sông Mã, sông Chu dâng cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước lên nhanh chóng, tới sáng ngày 23/9 mấp mé bờ sông.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nước lên nhanh chóng, tới sáng ngày 23/9 mấp mé bờ sông. |
Trong chợ Vạn Hà hiện có 350 gian hàng, hơn 1.000 người thường xuyên tổ chức buôn bán. Chợ nằm ngay trung tâm huyện Thiệu Hóa và nhiều xã lân cận như Thiệu Phúc, Thiệu Tiến, Thiệu Nguyên… nên lượng người đổ về đây mua bán rất lớn.
Chị Nguyễn Thị Vân (30 tuổi), một tiểu thương cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh quần áo và đồ điện dân dụng, ngay khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã tổng động viên nhân lực ra thu dọn hàng hóa, đồ điện, tài sản đưa hết lên trên kệ cao. Cái nào có giá trị thì mang vào trong nhà phía trong đê. Năm nay rất nhiều lực lượng vào chung tay nên công tác thu dọn, chạy lũ được thuận lợi hơn…”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa cho hay: Ngay khi nhận được thông tin, cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân cùng vào cuộc. Tổng động viên các lực lượng chung tay hỗ trợ bà con tiểu thương. Hơn 2.000 người cùng với gia đình đang buôn bán tại chợ được di chuyển đồ đạc, tài sản ngay trong đêm.
Chính vì vậy mà việc di chuyển được diễn ra nhanh chóng, trật tự và không bị mất mát, hư hại tài sản. Các hộ làm xong thì qua trợ giúp các gian hàng còn ngổn ngang. Tới sáng ngày 23/9, hầu hết tài sản đã được đưa lên cao, những đồ có giá trị được người dân chuyển vào bên trong. Ngoài chợ thì một số khu vực ngoại đê cũng được thông báo di dời, gia đình nào có tài sản, hoa màu cũng chủ động thu dọn trước khi nước dâng cao hơn. Toàn bộ lực lượng được huy động để canh, trực đê. Tại Thiệu Hóa đã có 102 hộ với 480 nhân khẩu buộc phải di dời khẩn cấp vào phía bên trong, tránh nguy cơ bị ngập.
Ghi nhận vào sáng ngày 24/9 tại phường Thiệu Khánh, Thiệu Dương thành phố Thanh Hóa bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại khó khăn. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã huy động lực lượng tổ chức di dời người, tài sản của các hộ dân tại khu vực ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tại phường Thiệu Khánh, từ tối 22/9, chính quyền và lực lượng chức năng đã tổ chức di dời hàng trăm hộ dân ở phố Giang Thanh, phố Dinh Xá, phố 9… bị ngập lụt sâu, khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Khu vực ngoài đê phường Thiệu Dương, có 10 phố, trong đó có 7 phố với hơn 6.000 người sinh sống bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chính quyền địa phương đã chủ động di dời 584 nhân khẩu ở vùng ngập lụt, khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn (chủ yếu di dân tại chỗ, còn lại một số trường hợp neo đơn, già cả, cách biệt khu dân cư đã được di dời đến an toàn).
Nước dâng cao người dân phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa phải di chuyển bằng ghe nhỏ. |
UBND thành phố Thanh Hóa đã phát lệnh cảnh báo, di dân ở vùng có nguy cơ ngập sâu khẩn cấp đến nơi an toàn, yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã có đê, trưởng các phòng, ban, đơn vị thành phố khẩn trương tổ chức lực lượng thực hiện phương án di dân theo cấp báo động.
Trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: Đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho địa bàn các phường Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Hàm Rồng, Tào Xuyên và xã Hoằng Quang, Hoằng Đại… phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ triển khai các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, ngăn các loại phương tiện có tải trọng lớn lưu thông trên các tuyến đường đê, ven đê sông Chu, sông Mã. Đồng thời tổ chức lực lượng giúp nhân dân di chuyển phương tiện, tài sản từ vùng lũ đến nơi an toàn.
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tăng cường thêm lực lượng, phương tiện (áo phao, áo mưa, đèn pin, xuồng máy…) đến khu vực trọng điểm, xung yếu, bị ngập lụt trên địa bàn phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh để hỗ trợ di dời các hộ dân đang bị mắc kẹt, cô lập dọc tuyến sông Chu, sông Mã trong khi nước lũ tiếp tục dâng cao.
Người dân khu vực ngoại đê thành phố Thanh Hóa đã quen với cảnh ngập lụt nên đã chủ động di dời, di chuyển tài sản lên khu vực cao ngay khi nhận được thông báo khẩn. Gia đình ông Lê Văn Trung ở khu phố 4, Thiệu Dương bị ngập sâu trong biển nước đã di dời vào phía trong ở nhà người quen, toàn bộ tài sản cũng đã được chuyển đi gửi tạm.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thanh Hóa, tính tới sáng ngày 23/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức sơ tán 1.010 hộ/3.721 khẩu đến nơi an toàn (Quan Sơn 116 hộ/543 khẩu; Quan Hóa 71 hộ/279 khẩu; Mường Lát 443 hộ/1.479 khẩu; Lang Chánh 7 hộ/28 khẩu; Bá Thước 14 hộ/55 khẩu; Ngọc Lặc 53 hộ/198 khẩu; Thạch Thành 54 hộ/186/khẩu, Thọ Xuân 252 hộ/953 khẩu).
Mưa lũ đã làm 113 nhà bị thiệt hại (Mường Lát 5 nhà; Quan Sơn 81 nhà, Quan Hóa 27 nhà). Trong đó: có 112 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất, 01 hộ bị tốc mái (huyện Mường Lát). 12ha lúa bị ngập (Quan Sơn 6,5ha, Mường Lát 1ha, Lang Chánh 4,5ha). 7 điểm trường bị ảnh hưởng, 2 điểm trường khác bị ảnh hưởng, Tiểu học Sơn Thủy và trường THCS Sơn Hà bị sạt lở đất).
Nguồn: Báo xây dựng