Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 999/UBND-CN về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đối với các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực: Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để thực hiện sớm các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; các văn bản thỏa thuận, xác nhận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án và các thủ tục cần thiết theo quy định trước khi trình thẩm định hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ bước chuẩn bị dự án. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 19/5/2023 về việc lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành Giao thông vận tải (các dự án ngành xây dựng dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn… có yêu cầu tương tự ngành Giao thông vận tải).
Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung công việc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công văn số 6775/UBND-CN ngày 16/5/2022 về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập và thẩm định dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trên địa bàn tỉnh; số 224/UBND-CN ngày 05/01/2023 và số 5634/UBND-CN ngày 24/4/2023 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá năng lực của Ban Quản lý dự án do mình thành lập và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án; trên cơ sở đó có kế hoạch hướng dẫn, phổ biến, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra công tác lựa chọn các nhà thầu đảm bảo có năng lực, kinh nghiệm theo quy định. Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân, của các phòng ban có chức năng thẩm tra, thẩm định các dự án, thiết kế xây dựng trên địa bàn đảm bảo theo quy định.
Rà soát kỹ lưỡng, đánh giá về hiện trạng, sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan; tính khả thi của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các nội dung liên quan khác đảm bảo tính chính xác, chất lượng và đúng thời gian theo quy định khi các cơ quan chuyên môn về xây dựng (cơ quan chủ trì thẩm định) đề nghị tham gia ý kiến. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các Ban Quản lý dự án do mình thành lập, chủ đầu tư trực thuộc triển khai các dự án có sai sót, chậm tiến độ, không đảm bảo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng