Thanh Hóa: Nâng cao công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, quản lý dự án
(Xây dựng) – Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng hồ sơ, từ bước chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, dẫn đến phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số giải pháp.
Bước lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phải đảm bảo các quy định tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai xây dựng. |
Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, về việc đánh giá năng lực hoạt động, khả năng, mức độ đáp ứng về quản lý dự án của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố (gọi là Ban Quản lý dự án khu vực) và công tác thẩm định của Sở Xây dựng năm 2024, thời gian qua, năng lực hoạt động, khả năng, mức độ đáp ứng về quản lý dự án của các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Thực hiện chưa tốt việc kiểm soát chất lượng hồ sơ, từ bước chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, dẫn đến phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, thậm chí dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không thực hiện được (phải trình chủ trương đầu tư dự án khác thay thế), ảnh hưởng đến mục tiêu, tính khả thi và làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Nguyên nhân chủ yếu là do: Người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, giao làm chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm, sát sao chỉ đạo, năng lực còn hạn chế; công tác phối hợp chưa tốt, chưa kiểm soát kỹ chất lượng hồ sơ trước khi trình duyệt; lựa chọn nhà thầu tư vấn không đảm bảo năng lực…
Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nêu trên tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo. Thứ nhất công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư là khâu quan trọng nên yêu cầu các đơn vị nêu trên và các đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư phải nâng cao chất lượng lập, thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, ngoài đáp ứng các nội dung theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công, thì phải lấy ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch có liên quan: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch của các dự án khác có liên quan trong khu vực; các nội dung có liên quan đến chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đặc biệt là khi chuyển đổi đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn; phù hợp và đảm bảo công tác quản lý lĩnh vực quốc phòng – an ninh, văn hóa, di tích lịch sử…
Sự phù hợp đối với các công trình hạ tầng trong khu vực như: Thủy lợi, điện, cấp thoát nước, giao thông, viễn thông, các công trình ngầm liên quan. Không được để xảy ra tình trạng chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền thông qua, nhưng khi thực hiện dự án lại có khó khăn vướng mắc do không phù hợp.
Về nâng cao năng lực quản lý đầu tư xây dựng của các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (là cơ quan chủ quản, chỉ đạo các Ban Quản lý dự án khu vực): Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng do Chủ tịch UBND tỉnh giao các Ban Quản lý dự án khu vực làm chủ đầu tư.
Giám đốc các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng do đơn vị mình quản lý; thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý dự án cho các cán bộ thuộc đơn vị; lựa chọn cán bộ thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu, lĩnh vực được giao; trường hợp cần thiết, khi thực hiện các dự án có tính chất phức tạp, kỹ thuật cao, công nghệ thi công mới, cần xem xét ký hợp đồng có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm để thực hiện, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khẩn trương triển khai các bước tiếp theo ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt; kiểm soát, nâng cao chất lượng hồ sơ ở tất cả các bước thực hiện dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng quy định.
Nguồn: Báo xây dựng