Thanh Hóa: Lợi dụng quyết định làm dự án trang trại sinh thái để khai thác “bùn thải” sản xuất gạch tuynel?
(Xây dựng) – Dự án trang trại tổng hợp – sinh thái của Công ty Cổ phần Sông Mã (Công ty Sông Mã) được UBND tỉnh ra quyết định giao đất từ đầu năm 2018, thời hạn cho thuê đất 10 năm. Nhưng đến năm 2022, mặt bằng dự án vẫn chỉ là một hồ nước mênh mông, sâu hoắm, với vài cây dừa lơ thơ và căn nhà bảo vệ bỏ hoang.
Những xe tải được máy xúc đổ đầy đất, rời nơi khai thác về nhà máy gạch. |
“Chiêu bài” hợp thức việc tận thu bùn thải…
Theo Quyết định số 397/QĐ-UBND, ngày 29/01/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc “thu hồi đất và cho Công ty Cổ phần Sông Mã thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại tổng hợp – sinh thái tại xã Đông Vinh”. Tại Điều 1 có nêu “diện tích khu nhà trực bảo vệ 150m2; diện tích khu nuôi trồng thủy sản 65.461 m2, diện tích đường giao thông nội bộ 3.040m2”.
Chi tiết hơn, theo văn bản của Phòng Quản lý đô thị thành phố Thanh Hóa, đơn vị thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng trang trại của Công ty Cổ phần Sông Mã. Dự án thuộc công trình cấp IV (nhóm B), giá trị dự toán xây dựng 3,1 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Nội dung đầu tư gồm: Nhà trực, bảo vệ, diện tích rộng 8,22m, dài 18,22m, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, tường rào cột bê tông cốt thép và lưới B40. Hệ thống đường bê tông gồm đường loại 1, bề mặt 5m, dài 116m, đường loại 2 rộng 3m, dài 116m. Sân bê tông diện tích 339,3m2, khu hồ nuôi trồng thủy sản, diện tích trên 6,5ha.
Trên cơ sở xem xét tờ trình của chủ đầu tư, qua kiểm tra, tổng hợp ý kiến và kết quả thẩm định của các cơ quan, tổ chức liên quan, Phòng Quản lý đô thị thành phố Thanh Hóa kết luận và kiến nghị, hồ sơ của chủ đầu tư đủ điều kiện được phê duyệt dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Ngày 21/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6370/UBND-CN về việc cho phép Công ty Sông Mã được thu hồi, vận chuyển bùn thải trong quá trình thi công Dự án trang trại tổng hợp – sinh thái tại xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa. Theo đó, trên sơ sở công văn đề nghị của Công ty Sông Mã, đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Sông Mã được thu hồi, vận chuyển khoảng 13.093m3 bùn thải để làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel, thời gian vận chuyển không quá 6 tháng.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty Sông Mã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ khai báo, thống kê số lượng khoáng sản thu hồi và tính tiền cấp quyền khai thác, giao UBND thành phố Thanh Hóa giám sát quá trình khai thác, đảm bảo vệ sinh môi trường, đúng vị trí, hồ sơ được duyệt và thời gian theo quy định.
Tận thu xong thì bỏ hoang dự án
Theo người dân địa phương, việc khai thác đất tại mặt bằng dự án đã được triển khai từ trước khi được cấp phép “tận thu” khá lâu, nhưng chưa rầm rộ. Tiếp đó, sau khi có “bảo bối” trong tay, Công ty Sông Mã lập tức triển khai ồ ạt việc tận thu “bùn thải”. Liên tục hàng ngày, tại mặt bằng dự án, luôn túc trực 2 chiếc máy xúc làm việc hết công suất, từng đoàn xe tải nối đuôi ra vào, chở đầy đất sét chạy từ khu vực dự án, qua đường tránh phía Tây thành phố, sang nhà máy gạch tuynel (cũng của Công ty Sông Mã) cách đó chưa đầy 1km.
Khu vực mặt bằng dự án ban đầu có những nơi là khu đất trũng, có điểm như những chiếc ao cạn. Nhưng sau thời gian “tận thu” đã biến thành cả một vùng hồ mênh mông, sâu hoắm, nham nhở, chỗ cạn cũng phải 3-4m, nơi sâu nhất (do có lớp đất sét, đất thịt dầy nên bị đào sâu để tận thu) có thể tới 6-7m.
Xe tải đổ đất tại bãi tập kết trong nhà máy gạch Tuynel Đông Vinh. |
Theo người dân địa phương: Trong thời gian này, hàng ngày họ đều thấy những chiếc xe tải chở đầy đất sét đen (hoàn toàn không có bùn thải), từ khu vực khai thác chạy về nhà máy gạch, đổ đất xuống rồi quay lại hiện trường, tiếp tục vận chuyển. Có lẽ vì muốn tránh sự để ý của dư luận, sau khoảng vài tháng khai thác, doanh nghiệp đã cho dựng một “hàng rào” bằng lớp vải bạt màu đen phía mặt đường tránh, nơi luôn đông đúc xe cộ qua lại, để che lấp hoạt động bên trong “công trường” khai thác và nhất là che đi những chiếc hố ngày càng sâu hun hút do hoạt động “tận thu bùn thải” của doanh nghiệp.
Qua thời gian dài “triển khai dự án”, sau khi đã hoàn thành việc “tận thu bùn thải” một cách triệt để, với khối lượng vượt xa nhiều lần con số 13.093m3 đến nay, Dự án trang trại tổng hợp – sinh thái của Công ty Sông Mã đã gần như bị “bỏ hoang”.
Căn nhà bảo vệ thuộc dự án bị bỏ hoang lâu ngày. |
Có mặt tại đây, phóng viên Báo điện tử Xây dựng chỉ thấy một hồ nước mênh mông. Phía cuối hồ nước, có một căn nhà nhỏ với vài bóng người vào ra và một hàng cây dừa còi cọc cùng với đó là một hồ nước mênh mông, xung quanh bờ không hề được xây kè. Nơi đây hoàn toàn không có dấu hiệu của hoạt động tăng gia, sản xuất lớn và nuôi trồng thủy sản nào, cũng không hề có hệ thống rào bằng cọc bê tông và lưới thép B40, không có hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, đường giao thông, sân bê tông… có giá trị xây dựng trên 3 tỷ đồng như hồ sơ dự án đã “vẽ” ra.
Toàn cảnh dự án chỉ là một hồ nước mênh mông, bên trong có 1 căn nhà cấp 4. |
Như vậy, có thể nói, mục đích của chủ đầu tư tại dự án này chủ yếu là để khai thác đất phục vụ sản xuất gạch tuynel, hoàn toàn không phải để sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp – sinh thái. Điều đáng nói, các cấp, ngành có thẩm quyền, sau khi cấp phép, đã phó mặc cho chủ đầu tư mà không có sự theo sát, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện dự án của doanh nghiệp.
Một đoạn bờ hồ bị sạt lở do không được xây kè. |
Đáng lưu ý là việc xem xét, tham mưu và cấp phép cho doanh nghiệp được “tận thu bùn thải để sản xuất gạch tuynel”. Ai cũng biết gạch nung dùng cho xây dựng phải được làm từ đất sét, đất thịt hoặc các loại đất có tính năng tương ứng, không thể dùng bùn thải để sản xuất ra gạch. Điều đơn giản này chẳng lẽ những cán bộ xem xét, thẩm định và cấp phép tờ trình, đề nghị của doanh nghiệp lại không biết, dẫn đến việc cho tận thu bùn thải để sản xuất gạch tuynel? Về phía Công ty Sông Mã, chắc chắn rõ điều này hơn ai hết, nhưng có thể để phù phợp với mục đích cải tạo mặt bằng cho việc nuôi trồng thủy sản, họ đã “khôn khéo” không xin tận thu đất mà chỉ xin “tận thu bùn thải” trong quá trình nạo vét lòng hồ?
Có thể nói, việc thiếu quan tâm, sâu sát và cả sự “quan liêu” trong quá trình thẩm định, cấp phép dự án, cấp phép tận thu “bùn thải” của các cấp, ngành chức năng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp gần như “ăn không” một khối lượng lớn đất nguyên liệu sản xuất gạch tuynel không những gây thất thu ngân sách và “chảy máu” tài nguyên, khoáng sản mà còn làm thay đổi, biến dạng địa hình.
Được biết, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường công tác quản lý nhà nước, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với 12 dự án đầu tư, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài các dự án trên, những dự án theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” như cải tạo, nạo vét hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nạo vét bến cảng, âu thuyền, nạo vét lòng sông bằng nguồn xã hội hóa, dự án trang trại tổng hợp – sinh thái cũng sẽ được UBND tỉnh cho vào “tầm ngắm” để kiểm tra, làm rõ và xử lý.
Nguồn: Báo xây dựng