Thanh Hóa: Lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, làm việc và cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh (không thuộc các trường hợp đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp ưu đãi hàng tháng), làm một trong các công việc sau: Thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm truyền thống và xe công nghệ), xe xích lô chở khách; đánh giày, thợ xây, phụ hồ; giúp việc gia đình theo giờ, theo ngày không có địa điểm cố định; bán lẻ vé số lưu động; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch; cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ; cơ sở dịch vụ cung cấp dịch vụ không thiết yếu.

Thanh Hóa: Lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ
Người lao động tự do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 sẽ được hưởng hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ngoài các đối tượng trên, trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh các đối tượng khác cần hỗ trợ thì UBND cấp huyện chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho đối tượng. Trường hợp vượt quá khả năng thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều kiện hỗ trợ quy định, người lao động thuộc đối tượng được xem xét hỗ trợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Bị mất việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do ở trong các khu vực bị phong toả, cách ly hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh, UBND cấp huyện) để phòng, chống dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, để hỗ trợ đúng, trúng, tránh việc bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng tiêu chí, đối tượng, quy trình thủ tục, mức tiền hỗ trợ và tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ. Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến vào dự thảo quyết định ban hành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Vì vậy, những đối tượng thực sự khó khăn, đủ điều kiện sẽ sớm được thụ hưởng chính sách.

Cao Sơn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích