Thanh Hóa làm trái Nghị định 67 của Chính phủ vì tăng thu ngân sách?

Mặc dù Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định mức tính cấp quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông quy định tính R =5%. Thế nhưng, Thanh Hóa đưa ra đấu giá các mỏ cát tính R =20%, gấp 4 lần so với quy định.

Thanh Hóa làm trái Nghị định 67 của Chính phủ vì tăng thu ngân sách?
Thanh Hóa không nên vì tăng thu ngân sách mà làm trái Nghi định 67 của Chính phủ trong tính tiền cấp quyền khai thác đấu giá mỏ cát. Ảnh: VT

Sau khi Báo Thanh tra phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) không tiếp thu phản ánh để tham mưu sửa đổi mà cho rằng việc đưa mức thu R=20% nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước.

Không nên một mình một phách

Báo Thanh tra điện tử ngày 25/4/2023 đăng bài “Đấu giá mỏ cát, tỉnh Thanh Hóa có đi ngược lại với Nghị định 67 của Chính phủ?”.

Ngày 28/4/2023, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã có Văn bản số 5885/UBND-KTTC giao Sở TN&MT (chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, các ngành, đơn vị liên quan) nghiên cứu nội dung Báo Thanh tra phản ánh, kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung thông tin. Trên cơ sở kiểm tra, trả lời Báo Thanh tra và tham mưu, đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện trước ngày 10/5/2023.

Theo văn bản trả lời của Sở TN&MT, trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 226/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 ban hành quy chế tạm thời về việc “đấu giá quyền khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó, đã tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ cát với giá khởi điểm là 20% trữ lượng khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác phải trả cho Nhà nước nhằm tăng thu ngân sách, khuyến khích những đơn vị có năng lực tham gia đấu giá, hạn chế việc khai thác cát sỏi lòng sông do tác động đến bờ bãi sông, hệ thống đê điều (UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, xây dựng giá khởi điểm).

Thanh Hóa làm trái Nghị định 67 của Chính phủ vì tăng thu ngân sách?
Tỉnh Bình Định đưa ra đấu giá các mỏ cát VLXD gần đây chỉ tính tiền cấp quyền khai thác R=5% theo đúng tinh thần của Nghị định 67 của Chính phủ. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa tính tiền cấp quyền đấu giá khai thác mỏ cát R=20%. Ảnh: VT

Đối với các mỏ cát đã được cấp phép trước khi ban hành quy chế phải thực hiện xác định giá giao cấp quyền khai thác khoáng sản, để đảm bảo công bằng với các đơn vị trúng đấu giá, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 25/7/2011, trong đó quy định mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát là 20% giá trị trữ lượng khoáng sản.

Thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 2396/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 thì Chính phủ chưa có nghị định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quy định về giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản R là 5%.

Trên cơ sở giá trị giá phần trăm quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu trên, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 8/1/2016 và được thay thế bởi Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017. Theo đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (trừ cát nhiễm mặn) áp dụng R=20-%. Quyết định này đang còn hiệu lực thi hành.

Cần cầu thị tiếp thu để sửa đổi

Ngoài ra, trong văn bản trả lời Báo Thanh tra, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc áp dụng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản R =20% đối với khoáng sản cát làm VLXD làm tăng thu ngân sách Nhà nước.

Nhiều tỉnh, thành đấu giá mỏ cát đều chỉ tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 5% theo đúng tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá cả VLXD cát tăng chóng mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, khiến người dân gánh chịu, doanh nghiệp làm các công trình giao thông, xây dựng thua lỗ, chậm tiến độ, không thể giải ngân vốn đầu tư công. Nếu việc này cứ tiếp tục kéo dài, việc không sửa đổi cách tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như ở Thanh Hóa thì giá cát ở đia phương này vẫn ở mức cao so với các địa phương khác.

Thanh Hóa làm trái Nghị định 67 của Chính phủ vì tăng thu ngân sách?
Nhiều tỉnh, thành trên địa bàn cả nước khi đưa ra đấu giá mỏ cát đều tính tiền cấp quyền khai thác R=5% theo đúng tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: VT

Theo khảo sát của PV Báo Thanh tra, thời gian qua do giá cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng cao, nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán, sử dụng cát làm VLXD đã phải mua, vận chuyển cát từ tỉnh Nghệ An về để sử dụng, phục vụ xây dựng, làm các công trình dự án, trộn bê tông xây nhà… Mặc dù cước vận chuyển phát sinh nhiều, do cung đường vận chuyển dài, nhưng bù lại giá lại vẫn rẻ hơn so với Thanh Hóa. Tại tỉnh Nghệ An khi đấu giá các mỏ cát thì cũng chỉ thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác R=5%, theo đúng tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ. Trong khi đó, gần đây nhất tháng 2/2023 tỉnh Thanh Hóa đưa ra đấu giá mỏ cát ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy vẫn tính tiền cấp quyền khai thác R=20%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn trúng đấu giá tăng 156%. Do tính tiền cấp quyền khai thác cao, cộng với việc trả giá cao để trúng đấu giá, xác định nếu làm là lỗ nên đơn vị này đã phải trả lại mỏ cho UBND tỉnh Thanh Hóa và chấp nhận mất tiền đặt cọc theo quy chế đấu giá.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn một số mỏ cát ở xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước và xã Trung Lý và Mường Lý, huyện Mường Lát chuẩn bị đưa ra đấu giá. Trên tinh thần tham mưu của Sở TN&MT thì việc thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác vẫn là R=20%.

Nghi định 67/2019/NĐ-CP ra đời từ ngày 31/7/2019, đến nay đã được gần 4 năm, nhưng Thanh Hóa vẫn “một mình một phách”, không tuân thủ. Trách nhiệm này cần được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích