Thanh Hóa: Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ “nóng” về nội dung chất vấn

(Xây dựng) – Sáng 5/7, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo để thông tin về Kỳ họp HĐND tỉnh thứ 14, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thanh Hóa: Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ “nóng” về nội dung chất vấn
Đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh thông tin về nội dung chương trình Kỳ họp.

Theo đó, Kỳ họp sẽ được tổ chức từ 10-12/7/2023. Tại Kỳ họp, các đại biểu sẽ nghe một số báo cáo, tờ trình về kết quả hoạt động của HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh trong 6 tháng đầu năm, các báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề. Trong đó có báo cáo về chấp hành pháp luật trong quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng tại địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2022. Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo của UBND tỉnh, một số Sở, ngành về trả lời chất vấn tại Kỳ họp trước…

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, căn cứ đề xuất của các Ban HĐND, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và dư luận xã hội, HĐND tỉnh sẽ tập trung chất vấn các nội dung “nóng” dành cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, 3 nội dung đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục gồm: Nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất, nhưng qua nhiều năm, đã gia hạn nhiều lần, nhưng nhà đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai chậm; tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện rất chậm.

Đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, 3 nội dung chất vấn và trả lời gồm: Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục thực trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở mọi cấp học. Nhất là giáo viên tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học; chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh thấp so với bình quân chung cả nước, còn chênh lệch giữa các vùng, miền. Hiện mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ môn tiếng Anh, các bộ môn ngoại nghữ khác chưa có; thực trạng và giải pháp huy động xã hội hóa trong giáo dục để hỗ trợ giáo viên và học sinh tại các xã khu vực III, khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Tới đây, ngành Giáo dục có kiến nghị gì với tỉnh và Trung ương để có giải pháp hỗ trợ giáo viên và học sinh tại 74 xã thuộc khu vực này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích