Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh “Khởi nghĩa Lam Sơn – Dấu son rực rỡ”

(Xây dựng) – Nhân kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ lên ngôi và 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, sáng 6/10 (tức ngày 22 tháng 8 năm Quý Mão), tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ”
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh trống khai hội.

Lễ hội chính thức khai mạc vào 8h30, ngay từ ngày hôm trước và từ sáng sớm ngày khai hội, hàng vạn người đã nô nức đổ về Lam Kinh để dự lễ hội và tham quan các công trình khang trang, to đẹp nhưng vẫn cổ kính, linh thiêng, mới được đầu tư phục dựng như: Tòa Thái miếu, cổng Nghinh môn, tòa Chính điện… hay hòa mình trong không gian xanh ngắt của núi rừng Lam Sơn, kính cẩn dâng hương nơi Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và lăng, mộ các vị Vua, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu thời Hậu Lê, cổ kính, rêu phong trầm mặc dưới tán rừng.

Đúng 8h, lễ hội chính thức khai mạc với nghi thức rước kiệu truyền thống. Tiếp theo là Lễ dâng hương kính cáo Đức Thái tổ Cao Hoàng đế và đọc chúc văn, ghi nhận và tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các nghĩa sỹ Lam Sơn, những anh hùng hào kiệt đã có công đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ”
Đoàn rước Kiệu trảy về sân Rồng tòa Chính điện.

Tiếp nối sau phần Lễ là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa mang chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn – Dấu son rực rỡ”, được giàn dựng công phu, kết hợp giữa cảnh thật tại hiện trường và hình ảnh tạo nên từ ánh sáng của hệ thống đèn led, kết hợp với âm thanh sôi động. Chương trình được thể hiện theo hình thức sân khấu thực cảnh với sự tham gia biểu diễn bởi 250 diễn viên, ca sỹ, nghệ nhân, nghệ sỹ. Chương trình nghệ thuật đã tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi cầm đầu, sau 10 năm “nếm mật nằm gai”, trải qua bao thăng trầm, nguy khốn. Nhờ có sự đùm bọc, che chở của nhân dân, sự đoàn kết trên dưới đồng lòng “tướng sỹ một lòng phụ tử”, Nghĩa quân Lam Sơn đã từng bước lớn mạnh, từ vùng rừng núi hai xứ Thanh – Nghệ, tràn xuống đồng bằng, tiến về thành Đông Quan, đánh cho giặc Minh phải thất điên bát đảo “Ra đến bể mà hồn xiêu phách lạc”, “Về đến nước vẫn tim đập, chân run”.

Khởi phát từ ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418), đến năm 1428, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, mở ra Vương triều Hậu Lê, kéo dài hơn 360 năm, đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh khiến các quốc gia lân bang lớn, nhỏ đều kiêng nể, không dám nhòm ngó.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ”
Ngay từ sáng sớm, hàng vạn du khách đã nô nức đổ về Lam Kinh.

Sau màn nghệ thuật sân khấu hóa hào hùng, du khách tham gia lễ hội còn được thưởng thức các trò diễn dân gian độc đáo như: Trò diễn Xuân Phả, múa Đèn Đông Anh, bơi chải, diễn tấu Cồng chiêng… hoặc tham quan, mua sắm các mặt hàng đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương.

Diễn ra trong 3 ngày (từ 4 – 7/10) với hàng loạt hoạt động sôi nổi, mang đậm chất dân gian, Lễ hội Lam Kinh khép lại sẽ mang theo niềm nuối tiếc trong lòng du khách “bước chân đi lòng mong ngày trở lại”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích