Thanh Hóa: Huyện Vĩnh Lộc đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội
Thanh Hóa: Huyện Vĩnh Lộc đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội
Theo dõi MTĐT trên
Trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Đảng bộ Chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nêu cao quyết tâm, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phấn khởi với những kết quả đạt được ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: Phát huy tiềm năng, lợi thế của một huyện có di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, ngay từ đầu năm 2022, triển khai thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/HU ngày 31/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2022 của huyện được triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và duy trì ở mức cao những tháng đầu năm trên địa bàn hầu hết các xã, thị trấn trong huyện; giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Song dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Huyện ủy, HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả của UBND huyện và sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nên tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022 của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực; có 24/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND huyện quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra
Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá 2010) ước đạt 16,81% (KH năm 16,8%), tăng 3,24% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành Nông, Lâm, Thủy sản tăng 4,75% ; Công nghiệp – Xây dựng tăng 22,43%; các ngành dịch vụ tăng 17,19%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 55,9 triệu đồng, tăng 14,03% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.899 tỷ đồng, vượt 0,7% kế hoạch, tăng 4,59% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng đạt 15.342,5 ha, vượt 2,9% KH, tăng 0,99% so với cùng kỳ 2; Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 71.280 tấn, vượt 9,66% so với KH, tăng 0,89% so với cùng kỳ; năng suất lúa cả năm ước đạt 62,11 tạ/ha, giảm 1,03 tạ/ha so với cùng kỳ.
Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được 150ha, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, vượt 17,64% KH; chuyển đổi 118,35ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn; thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đạt 920,15ha; xây dựng dự án sản xuất rau an toàn tập trung tại xã Vĩnh Yên (3ha), 1,6 ha nhà lưới tại các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Khang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Long; xây dựng Đề án bảo tồn và mở rộng phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Chăn nuôi phát triển ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tổng đàn trâu 6.300 con, tăng 0,7% so với cùng kỳ; đàn bò 7.580 con, bằng 95,21% so với cùng kỳ; tổng đàn lợn 36.800 con, tăng 9,15% so với cùng kỳ, đàn dê 9.730 con, tăng 13,55% so với cùng kỳ, đàn gia cầm 565 nghìn con, tăng 0,52% so với cùng kỳ. Trọng lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 13.983 tấn, tăng 2,29% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 131,2 tỷ đồng, vượt 0,92% kế hoạch, tăng 4,04% so với cùng kỳ. Đã trồng được 131,5 ha rừng trồng tập trung, đạt 87,66% so với kế hoạch; khai thác hơn 15 nghìn m³ gỗ; cấp chứng chỉ FSC được mở rộng với 1.647,77ha. An ninh rừng tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra cháy rừng, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì đạt 25,3%….
Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Xã Vĩnh Hùng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu3; nâng tổng số trên toàn huyện có 04 xã đạt xã NTM nâng cao, 23 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu. Năm 2022, có thêm 05 sản phẩm OCOP đánh giá xếp hạng 3 sao, vượt 25% chỉ tiêu UBND tỉnh giao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 15 sản phẩm được xếp loại 3 sao trở lên….
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 3.651 tỷ đồng, đạt 98,07% KH, tăng 23,77% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm truyền thống của địa phương vẫn giữ mức ổn định và tăng so với cùng kỳ như: quần áo may sẵn tăng 29,01%, đá ốp lát xây dựng tăng 1,89%, cửa sắt các loại 2,37%…
Hoạt động thương mại vẫn duy trì ổn định, giá các mặt hàng cơ bản ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.803 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 22,94% so với cùng kỳ.
Các hoạt động du lịch đã được phục hồi trở lại; tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch như triển khai ứng dụng du lịch thông minh tại Danh thắng núi Kim Sơn, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2022 – 2025, Kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch giai đoạn 2022 – 2025. Năm 2022, tổng lượt khách đến thăm quan ước đạt 190.950 lượt, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ, trong đó có 135.450 lượt khách tham gia Thành Nhà Hồ, 60.500 lượt khác đến các điểm khác trên địa bàn huyện…
Các ngân hàng đã tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn vay, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất. Huy động vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước đạt 1.458 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, dư nợ cho vay đạt 1.608 tỷ đồng, đạt 100% KH, tỷ lệ nợ quá hạn 0,11%. Huy động vốn của Ngân hàng chính sách xã hội ước đạt 124 tỷ đồng, đạt 100% KH, tổng dư nợ thực hiện ước đạt 324,7 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ quá hạn 0,06%
Không chỉ quan tâm tới các lĩnh vực kinh tế, huyện còn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch; phát triển các loại hình du lịch, tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch, từng bước hình thành các Trung tâm thương mại, dịch vụ trên địa bàn; phát triển sản xuất công nghiệp – TTCN; các làng nghề thủ công khác gắn với du lịch, các chính sách các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch….
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ. Lực lượng vũ trang trong huyện thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở 2 cấp đúng theo quy định; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình tại các địa bàn trọng điểm, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự địa phương; hoàn thành chỉ tiêu giao quân với 116 nam thanh niên lên đường nhập ngũ; tổ chức thành công Hội thao điểm trung đội dân quân cơ động năm 2022 được tỉnh đánh giá cao. Chỉ đạo 03 xã gồm Vĩnh Thịnh, Vĩnh An, Ninh Khang tổ chức thành công diễn tập chiến đấu xã trong khu vực phòng thủ năm 2022. Tổ chức tập luyện nghiệp vụ quốc phòng, quân sự cho các đối tượng đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Đang tích cực triển khai các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Lễ giao nhận quân năm 2023…
Có thể nói rằng, năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức; song với lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, sát sao từ sớm, từ xa của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện, kinh tế – xã hội của huyện tiếp tục có phát triển, hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu đã được đề ra.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị