Thanh Hóa: Hàng loạt trạm y tế liệu có bị đánh tráo vật liệu khi xây dựng?

(Xây dựng) – Hàng loạt công trình trạm y tế thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu sử dụng vật liệu (gạch) để xây dựng một số hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế, dự toán công trình được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Thanh Hóa: Hàng loạt trạm y tế liệu có bị đánh tráo vật liệu khi xây dựng?
Công trình trạm y tế xã Nam Đông, huyện Quan Hóa có dấu hiệu sử dụng gạch xây tường thẳng không đúng hồ sơ dự toán ban đầu được cơ quan chức năng phê duyệt.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo điện tử Xây dựng có được, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai xây dựng mới và cải tạo 70 trạm y tế tuyến xã. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhiều công trình trạm y tế tại một số địa phương đã bị nhà thầu đã “đánh tráo” vật liệu (gạch). Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, dự toán công trình đối với phần xây tường thẳng bằng gạch không nung (kích thước 6,5×10,5x22cm) nhưng nhà thầu đã sử dụng gạch có kích thước lớn hơn để xây dựng, tuy nhiên chưa được chủ đầu tư kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.

Từ nguồn tin trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhiều ngày tìm hiểu, ghi nhận hàng loạt công trình trạm y tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai xây dựng. Kết quả xác định, các phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.

Các công trình: Trạm y tế xã Hoằng Trung tại xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa; Trạm y tế xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc; Trạm y tế xã Nam Động, huyện Quan Hóa… nhà thầu thi công đã sử dụng gạch không nung có kích lớn hơn so với kích thước dự toán ban đầu được phê duyệt, để xây dựng tường thẳng.

Thanh Hóa: Hàng loạt trạm y tế liệu có bị đánh tráo vật liệu khi xây dựng?
Hạng mục tường rào trạm y tế xã Hoằng Sơn cũng có dấu hiệu sử dụng gạch không đúng hồ sơ dự toán ban đầu được cơ quan chức năng phê duyệt.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Văn Tiến – Trưởng phòng điều hành dự án các công trình văn hóa, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Đối với dự án này thì sử dụng gạch không nung và trong thiết kế là gạch không nung, nhưng không chỉ rõ gạch đặc hay gạch lỗ, mà trong thiết kế chỉ nói xây tường 22 (tường dày 22cm – PV), về gạch đưa vào công trình thì được lấy tại các nhà máy, được công bố hợp quy chuẩn theo quy định.

Trước câu hỏi của phóng viên, đối với phần kiến trúc hay còn gọi phần xây tường thẳng bằng gạch không nung, tại một số công trình điển hình như: Trạm y tế xã Hoằng Trung và xã Hoằng Sơn được sử dụng gạch không nung có kích thước như thế nào? Bởi hiện nay tại hai công trình trên nhà thầu sử dụng gạch với kích thước 10,5x13x22cm to gần gấp 2 lần so với hồ sơ dự toán ban đầu các được cơ quan chức năng phê duyệt? “Trong thiết kế chỉ ghi là tường 22 và gạch không nung thế thôi, cái dự toán này để tôi kiểm tra lại, trong thi công nhà thầu không xem dự toán làm gì cả, mà đặc biệt đối với nhà thầu không cho kỹ thuật xem dự toán, nhà thầu cũng không biết dự toán mà chỉ chủ đầu tư biết dự toán và đơn vị tư vấn đấu thầu, còn thi công theo chỉ dẫn của hồ sơ thiết kế”, ông Tiến cho biết thêm.

Được biết, hai công trình trên nằm trong gói thầu số: 07 thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc dự án: Đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa, có tổng mức đầu tư khoảng 317 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 280 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa (làm chủ đầu tư) tổ chức thực hiện quản lý dự án. Đơn vị trúng thầu là: Liên danh MEDCON; Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Thăng Long.

Dự án trên được đầu tư với mục tiêu: Đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế cho 70 Trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, đáp ứng đủ điều kiện phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Dự án có quy mô: Đầu tư xây dựng và mua sắm bổ sung trang thiết bị thiết yếu 70 trạm y tế xã (trong đó có 48 trạm được đầu tư xây mới nhà trạm và 22 trạm được nâng cấp, cải tạo). Giải pháp thiết kế chủ yếu theo mẫu nhà trạm y tế vùng 1,2,3 và một số hạng mục công trình phụ trợ.

Vấn đề trên đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng, đặc biệt là Sở Xây dựng Thanh Hóa kiểm tra làm rõ và có câu trả lời trước dư luận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích