Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Hoạt chậm tiến độ, nhà đầu tư nói gì?

(Xây dựng) – Dự án nạo vét sông Hoạt do UBND huyện Hà Trung lập phương án, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương từ năm 2017. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, dự án này đã chậm tiến độ và kéo dài đến nay, sau khi được UBND tỉnh đồng ý thay đổi biện pháp thi công và gia hạn thời gian hoàn thành đến cuối năm 2024.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Hoạt chậm tiến độ, nhà đầu tư nói gì?
Dự án nạo vét sông Hoạt chậm tiến độ nhiều năm.

Ngày 25/9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 11541/UBND-NN về việc chấp thuận phương án nạo vét sông Hoạt, phục vụ sản xuất huyện Hà Trung, theo đó, chấp thuận phương án do UBND huyện Hà Trung lập, chủ đầu tư là Công ty TNHH Bắc Giang (Công ty Bắc Giang) tự bỏ vốn thực hiện và được thu hồi đất nạo vét làm nguyên liệu sản xuất gạch. Khối lượng bùn đất hữu cơ 148.737m3, đất thu hồi làm gạch nung 564.000m3. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2021 (chỉ thi công vào mùa khô). Công văn cũng nêu rõ: Mục tiêu phương án nạo vét sông Hoạt phục vụ tiêu thoát lũ, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Phạm vi nạo vét lòng sông từ k0+242 (xã Hà Tiến) đến k6+963 (xã Hà Bắc). Chiều rộng nạo vét (từ 60-140m), phạm vi cách chân đê (từ 50-75m); chiều sâu (1,6-4,25m). Để đảm bảo quá trình thi công vẫn phục vụ nguồn nước và tiêu úng, mỗi đợt thi công phải đắp đê quai dẫn dòng và đường thi công.

Nhưng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, thời điểm kết thúc dự án theo Công văn 11541/UBND-NN đã qua từ lâu, nhưng dự án vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai thi công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp 3 xã thuộc vùng hưởng lợi của dự án.

Để dự án tiếp tục được triển khai, ngày 27/02/2020, UBND huyện Hà Trung có công văn báo cáo tỉnh về việc chậm tiến độ, khó khăn trong quá trình triển khai. Đồng thời, đề xuất phương án thi công để đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Tiếp đó, ngày 8/6/2020, UBND tỉnh ra Công văn số 7349/UBND-NN về việc điều chỉnh phương án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, gia hạn thời gian thực hiện phương án đến cuối năm 2024.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Hoạt chậm tiến độ, nhà đầu tư nói gì?
Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Hoạt chậm tiến độ, nhà đầu tư nói gì?
Địa điểm thi công dự án thuộc địa bàn xã Hà Tiến.

Cùng với gia hạn thời gian, Công văn số 7349/UBND–NN cũng đã cho phép thay đổi biện pháp thi công. Từ “thi công theo biện pháp cuốn chiếu, từ hạ lưu lên thượng lưu, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiêu úng và tạo nguồn nước tưới” (theo Công văn 11541–PV), chuyển sang “cho phép thi công đồng loạt từ k1+987 – k2+068,5 (phía thượng lưu) thuộc địa phận xã Hà Tiến tại Công văn số 7349. Việc cho phép thay đổi biện pháp thi công giữa hai công văn của UBND tỉnh khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu thay đổi biện pháp thi công như vậy có ảnh hưởng đến mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của dự án?

Về phía chủ đầu tư là Công ty Bắc Giang, sau khi được chấp thuận gia hạn thời gian đến cuối năm 2024 đã tập kết máy móc, nhân lực thi công trở lại. Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng, đại diện lãnh đạo Công ty Bắc Giang đã trình bày về những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện dự án. Theo đó, nguyên nhân kéo dài dự án, phải thay đổi biện pháp thi công là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, do phía hạ lưu thuộc địa bàn xã Hà Bắc có phần diện tích đất thuộc đất 07 (đất một vụ lúa đã giao cho người dân canh tác), không thu hồi được nên không thể triển khai thi công. Vì thế, công ty đã báo cáo các cấp có thẩm quyền, xin loại phần diện tích này khỏi phạm vi dự án. Sau khi được chấp thuận, công ty đã tiến hành thi công nạo vét, khơi thông dòng chảy đoạn từ km6+092 đến km6+963 theo phương án được phê duyệt.

Cũng theo lý giải của công ty, do phạm vi của dự án tại một số vị trí thuộc chủng loại đất không thể sản xuất gạch, trong khi công ty đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 2,4 tỷ đồng, ngoài ra còn phải đóng thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí môi trường. Vì thế để có nguồn nguyên liệu cho sản xuất gạch và đáp ứng nhu cầu tích nước phục vụ tưới tiêu vào mùa khô (theo công văn đề nghị của cán bộ, nhân dân xã Hà Tiến), công ty đã xin điều chỉnh phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy phía hạ lưu. Đồng thời, thi công khu vực thuộc xã Hà Tiến. Trước câu hỏi của PV về việc điều chỉnh biện pháp thi công có ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, lãnh đạo công ty khẳng định mục tiêu này không ảnh hưởng.

Như vậy, theo lý giải của Công ty Bắc Giang, dự án chậm triển khai, kéo dài thời gian thi công là do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, dù do nguyên nhân nào thì việc dự án chậm hoàn thành để đưa vào sử dụng cũng đã ảnh hưởng đến mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, trong quá trình thi công, trong khâu vận chuyển đất thu hồi về nhà máy gạch của công ty, vẫn có dấu hiệu sử dụng xe quá tải so với quy định trong công văn chấp thuận của UBND tỉnh (vận chuyển bằng xe ôtô 10 tấn). Vì thế, không loại trừ xe chuyển đất của công ty, cùng với các xe chở đá, đất san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Bắc – Nam (khai thác tại Hà trung, Thạch Thành) chạy hàng ngày đã “góp phần” gây xuống cấp Tỉnh lộ 523.

Về vấn đề này, lãnh đạo Công ty Bắc Giang cam kết: Công ty sẽ chịu trách nhiệm tu sửa những đoạn đường hư hỏng, xuống cấp (nếu có) theo yêu cầu của chính quyền xã Hà Tiến.

Để dự án không tiếp tục chậm tiến độ, kịp hoàn thành trong năm 2024 và đảm bảo chất lượng cho tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề nghị UBND huyện Hà Trung tăng cường đôn đốc, chỉ đạo nhà đầu tư tập trung thi công gấp rút, tuân thủ biện pháp thi công đã được phê duyệt. Trong quá trình thi công, vận chuyển đất nguyên liệu không để ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân 3 xã vùng dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích