Thanh Hóa: Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xây dựng và hoạt động trái phép xưởng chế biến gỗ keo nhiều năm

(Xây dựng) – Theo phản ánh của dư luận, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Xuân Hòa, Như Xuân, Thanh Hóa), mặc dù chưa được giao đất, chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư và các hồ sơ liên quan khác, nhưng vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động thu mua, chế biến băm dăm gỗ keo từ năm 2010 đến nay.

Thanh Hóa: Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xây dựng và hoạt động trái phép xưởng chế biến gỗ keo nhiều năm
Hoạt động chế biến (băm dăm) gỗ tại Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.

Để xác minh thông tin của bạn đọc, mới đây, PV Báo điện tử Xây dựng cùng với ông Lê Hữu Đồng – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Như Xuân đã có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Ghi nhận tại đây cho thấy, trên khu đất khoảng trên 1.000m2 có gian nhà xưởng và 2 hệ thống máy băm dăm được lắp đặt đã lâu, trong đó có một máy đang hoạt động. Kế bên đống dăm gỗ vừa được chế biến là 2 chiếc xe tải chất đầy gỗ keo nguyên liệu. Bên ngoài cổng, một xe tải khác đầy ắp gỗ keo đang đỗ trên bàn cân điện tử, chờ người phụ trách thao tác cân xe trước khi vào bên trong để bốc dỡ hàng.

Trao đổi với PV, một người xưng là quản lý tại đây khẳng định: “Bọn em có đầy đủ giấy tờ, thủ tục, đảm bảo hoạt động hợp pháp. Nhưng toàn bộ giấy tờ đều lưu tại công ty chính trong Nghi Sơn, các anh muốn thì phải vào đó mà xem”.

Thanh Hóa: Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xây dựng và hoạt động trái phép xưởng chế biến gỗ keo nhiều năm
Chiếc xe tải chở đầy gỗ keo nguyên liệu trong sân của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2022, UBND xã Xuân Hòa đã kiểm tra, lập báo cáo gửi UBND huyện (do vụ việc được cho là vượt thẩm quyền cấp xã) vụ việc công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh không phép. Nội dung tóm tắt như sau: “Tại thôn Ngòi hiện có một cơ sở sản xuất băm dăm gỗ keo, chi nhánh của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (trụ sở chính tại thị xã Nghi Sơn), hoạt động từ năm 2010 đến nay, trên cơ sở hợp đồng kinh doanh với hợp tác xã Minh Quang (hiện đã giải thể).

Qua kiểm tra, công ty không có hồ sơ về đất đai, môi trường, xây dựng. Theo hồ sơ địa chính lưu tại xã cho thấy, cơ sở này đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất rừng sản xuất… Như vậy, về hồ sơ pháp lý, cơ sở băm dăm này còn thiếu các văn bản gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, giấp phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt…”.

Cũng về vụ việc này, năm 2020, đoàn kiểm tra của UBND huyện, phối hợp với UBND xã cũng đã kiểm tra, làm rõ những vi phạm trong hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ keo tại cơ sở này.

Trong một diễn biến mới nhất về vụ việc này, ngày 27/3/2024, UBND huyện Như Xuân, phối hợp với UBND xã Xuân Hòa đã tiến hành kiểm tra “việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, sử dụng lao động đối với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (chi nhánh nhà máy chế biến, xuất khẩu gỗ Nghi Sơn).

Biên bản lập tại buổi kiểm tra đã một lần nữa nêu rõ những vi phạm của cơ sở này, bao gồm: Về môi trường, tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được hồ sơ liên quan đến bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; về phòng cháy chữa cháy, có hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy có dấu thẩm duyệt, nhưng chưa xuất trình được văn bản thẩm duyệt; về đất đai, quy hoạch, xây dựng, công ty chưa xuất trình được hồ sơ giao đất, cho thuê đất, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, về kế hoạch sử dụng đất chưa được cập nhật, chưa có quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thanh Hóa: Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xây dựng và hoạt động trái phép xưởng chế biến gỗ keo nhiều năm
Một xe tải gỗ keo nguyên liệu đỗ trên bàn cân điện tử của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt để cân trọng lượng gỗ trước khi trả hàng.

Biên bản trên được khép lại với ý kiến của đại diện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt “thống nhất toàn bộ nội dung đã được đoàn kiểm tra thông qua tại buổi làm việc. Doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ thành phần hồ sơ còn thiếu trong thời gian 7 ngày, kể từ hôm nay để đoàn thực hiện các nội dung tiếp theo”.

Mặc dù đã cam kết như vậy, nhưng cho đến thời điểm này, khi hạn thời gian cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu cho UBND huyện của vị đại diện Công ty Thanh Thành Đạt đã quá gần 2 tháng, doanh nghiệp này vẫn chưa cung cấp hồ sơ cho đoàn kiểm tra. Để cập nhật thông tin về việc này, ngày 26/5 vừa qua, PV đã trao đổi qua điện thoại với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân Phạm Văn Tuấn, vị này cho hay: “Họ vẫn đang khất một thời gian nữa sẽ cung cấp”?.

Toàn bộ diễn biến trên cho thấy, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến băm dăm gỗ keo, trong khi chưa xuất trình được toàn bộ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, hành vi vi phạm pháp luật này kéo dài đến nay đã hơn 10 năm, đã được chính quyền từ xã đến huyện kiểm tra, làm rõ, nhưng lại chưa đưa ra bất cứ một hình thức xử lý nào, dù là nhẹ nhất. Sự thật này đã làm dấy lên những băn khoăn, nghi ngờ của dư luận, nhất là những người hoạt động cùng lĩnh vực này là: Liệu có sự bao che, ưu ái của các cấp có thẩm quyền dành cho doanh nghiệp này hay không?

Được biết, trong thời gian vừa qua, công tác kiểm tra, xử lý các điểm thu mua, chế biến lâm sản tự phát trên địa bàn các huyện miền núi đang được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt, với 9 lần ra văn bản “đốc thúc” các địa phương phải giải quyết, xử lý dứt điểm thực trạng này. Địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ, người đứng đầu sẽ phải bị xem xét trách nhiệm.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, từ cuối năm 2023 đến nay, UBND huyện Như Xuân đã ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở tự phát thu mua, chế biến gỗ keo. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng sản xuất, tháo dỡ công trình vi phạm một số cơ sở tự phát trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, qua thực tế tồn tại trên địa bàn huyện, nhất là vụ việc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, cũng như vụ san gạt mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và sản xuất gỗ keo không phép tại xã Hóa Quỳ (đã được Báo điện tử Xây dựng đưa tin) cho thấy, sự vào cuộc của UBND huyện Như Xuân và chính quyền một số xã đang có vấn đề.

Nếu vụ việc của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát, mới phát sinh tại xã Hóa Quỳ không được giải quyết nghiêm túc, dứt điểm thì “chiến dịch” dẹp các xưởng gỗ keo tự phát tại Như Xuân không thể đạt hiệu quả cao như chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích