Thanh Hóa: Cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc để đảm bảo quyền lợi người dân
(Xây dựng) – Mặc dù người dân liên tục gửi đơn kêu cứu về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng có dấu hiệu lừa đảo tại 2 dự án là Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Shiki Khải Lĩnh và Dự án Shophouse Nghi Sơn Luxury. Thế nhưng, suốt nhiều tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý quyết liệt đối với hành vi này.
Dự án Nghi Sơn Luxury được phía Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định không phải là dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng. |
Trước đó, ngày 16/01/2024, Báo điện tử Xây dựng đã đăng tải bài viết “Thanh Hóa: Khách hàng “tố” Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng có dấu hiệu lừa đảo tại 2 dự án” phản ánh về việc khách hàng kêu cứu nhiều nơi với nội dung công ty trên không có bất cứ liên quan pháp lý nào đến Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Shiki Khải Lĩnh và Dự án Shophouse Nghi Sơn Luxury, nhưng vẫn ngang nhiên chào giá và đem bán tới nhiều khách hàng.
Theo phản ánh của bà Đặng Thị Hoa Nữ (người gửi đơn tới Báo điện tử Xây dựng), sau khi bài viết được đăng tải, ông Nguyễn Thành Trung – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng đã chủ động liên hệ và hứa hẹn sẽ bồi thường lại số tiền đã chiếm đoạt là 11.670.000.000 đồng thông qua hình thức trả tiền mặt và đổi sang dự án khác. Tuy nhiên, sau 3 tháng vẫn không có động thái hoàn trả và lại tiếp tục mất liên lạc.
Bà Đặng Thị Hoa Nữ bức xúc: “Sau khi báo chí phản ánh về hành vi mang tính chất lừa đảo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng, ông Trung hứa hẹn với chúng tôi đổi sang dự án khác. Để có thể ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (dự án thay thế), chúng tôi phải đóng thêm 30% tiền. Nói thật, tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng còn xoay xở không đủ nữa là bỏ ra 30% phần vốn mà chúng tôi đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng. Chúng tôi nghi ngại đây là hành động lừa đảo tiếp theo dưới cái mác của các công ty mua bán nợ. Xin pháp luật và cơ quan chính quyền xem xét điều tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chúng tôi. Ông Trung đã hứa hẹn trả nợ nhưng khất lần này đến lần khác khiến kinh tế của chúng tôi rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn do áp lực trả nợ ngân hàng. Chúng tôi khẩn cầu sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các cơ quan chính quyền để sớm lấy lại được số tiền gốc đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng trong gần 3 năm qua. Chúng tôi tin rằng pháp luật luôn đứng về lẽ phải và những kẻ lừa đảo sẽ có hình phạt đích đáng với hành động coi thường pháp luật của mình”.
Về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Trong vụ việc này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng đã thực hiện ký kết rất nhiều loại hợp đồng khác nhau với các nhà đầu tư nhằm mục đích huy động vốn cho các dự án Shiki Hải Lĩnh và dự án Shophouse Nghi Sơn. Thực tế hiện nay, cách thức này được rất nhiều chủ đầu tư sử dụng để huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện chào bán theo quy định pháp luật và đây cũng là nguyên nhân dẫn tới phát sinh rất nhiều tranh chấp.
Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án do không đảm bảo được về mặt pháp lý dẫn tới các bên không thể tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng như đã giao kết trong các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn… Điều này khiến các nhà đầu tư hết sức hoang mang bởi số tiền họ đầu tư vào các dự án trên là không nhỏ nhưng mục đích đầu tư lại không đạt được và khi yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã đầu tư vào dự án thì việc hoàn trả là rất khó khăn do phía chủ đầu tư trì hoãn, từ chối gặp mặt hoặc không thể đưa ra phương án giải quyết dứt điểm vụ việc”.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng. |
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng khẳng định thêm: “Qua thông tin phía cơ quan báo chí cung cấp thì hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng không phải là chủ đầu tư của các dự án nêu trên. Tuy nhiên, điều này cần phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để điều tra, làm rõ vai trò của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng đối với các dự án trên để xác định có hay không hành vi gian dối của Công ty này từ đó mới có cơ sở để xác định có hay không hành vi phạm tội.
Trong trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng thực sự không phải là chủ đầu tư của các dự án, không có vai trò môi giới hoặc có quyền chào bán các sản phẩm liên quan đến hai dự án này thì hành vi trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối với số tiền chiếm đoạt như các nhà đầu tư cung cấp thì mức hình phạt mà người phạm tội phải chịu là từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trong trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng có chức năng môi giới hoặc chuyển nhượng và sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư đã không thực hiện việc chuyển nhượng, mặc dù có điều kiện để hoàn trả tiền nhưng không trả hoặc đã sử dụng tiền đầu tư vào mục đích bất hợp pháp dẫn tới không còn khả năng thanh toán thì hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội sẽ phải đối diện với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù với số tiền chiếm đoạt như các nhà đầu tư cung cấp.
Hợp đồng đặt cọc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng với khách hàng để giao dịch Dự án Shiki Hải Lĩnh do Công ty TNHH Nghi Sơn Việt Nam làm chủ đầu tư. |
“Đối với vụ việc trên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa cần tích cực vào cuộc để xác minh, làm rõ tính pháp lý của các dự án, làm rõ hành vi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng xem có dấu hiệu tội phạm hay không? Trong trường hợp có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ hành vi của những cá nhân/tổ chức có liên quan để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo quyền lợi cho những nhà đầu tư.
Trong trường hợp vụ việc không có yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục khởi kiện tại tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình” – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) ý kiến thêm.
Tính đến ngày 02/04/2024, trên trang web của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng vẫn đang rao bán dự án không phải của mình mà không hề có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. |
Một lần nữa, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ hành vi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Hồng mà người dân đang cho rằng có dấu hiệu lừa đảo nghiêm trọng.
Nguồn: Báo xây dựng