Thanh Hóa: Chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ
Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ; chú trọng đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực tham gia, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phấn đấu 100% tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo lộ trình Chính phủ quy định; 100% dự án đầu tư mới vào địa bàn tỉnh có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ được thẩm tra, thẩm định về công nghệ.
Bên cạnh đó, về nâng cao tiềm lực KH&CN và đổi mới sáng tạo, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 07 người/một vạn dân; Trong các tổ chức KH&CN nghiên cứu và phát triển công lập có ít nhất 70% số cán bộ có trình độ từ thạc sĩ và 05 tiến sĩ;
Xây dựng được thêm 05 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH&CN trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y dược, kỹ thuật cơ khí và chế tạo máy, nâng tổng số nhóm chuyên gia của tỉnh đạt 09 nhóm vào năm 2025; Xây dựng mới ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 lên 60 đơn vị. Ươm tạo được ít nhất 30 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nội dung số; Hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); hỗ trợ phát triển 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Ảnh minh họa.
Về đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, tỷ lệ đóng góp của hoạt động KHCN&ĐMST thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt tối thiểu 40%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025; 100% các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào ứng dụng;
Phối hợp, liên kết với ít nhất 05 trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước và quốc tế để thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN đột phá, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp điều kiện, nguồn lực và thế mạnh của tỉnh; Số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tăng ít nhất 1,5 lần so với giai đoạn 2016 – 2020;
Có ít nhất 01 vùng nông nghiệp được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 05 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện, cấp tỉnh áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015;
100% UBND cấp xã khu vực đồng bằng, 80% UBND cấp xã khu vực miền núi áp dụng ISO 9001: 2015; Số doanh nghiệp, tổ chức đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia tăng hàng năm ít nhất 10-15% so với giai đoạn 2016-2020; ít nhất 01 doanh nghiệp được hỗ trợ đạt Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Sở KH&CN chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; phối hợp các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch kinh phí sự nghiệp khoa học để thực hiện Đề án hằng năm.
Hà My