Thanh Hóa: Cần làm rõ nhiều bất cập tại các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá tại thị trấn Yên Lâm

(Xây dưng) – Báo điện tử Xây dựng ngày 23/5/2022 đã có bài phản ánh về tình trạng khai thác, sản xuất không đúng sản lượng, chủng loại đá như trong giấy phép tại thị trấn Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa). Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, phóng viên còn nắm thêm nhiều bất cập, tồn tại cần xem xét, chấn chỉnh tại các mỏ đá này.

thanh hoa can lam ro nhieu bat cap tai cac doanh nghiep khai thac san xuat da tai thi tran yen lam
Các mỏ đá tại thị trấn Yên Lâm còn bất cập cần xem xét, chấn chỉnh.

Qua làm việc với UBND thị trấn Yên Lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Yên Định được biết, việc thẩm định, đánh giá trữ lượng khai thác, tỷ lệ đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đá khối để xẻ chủ yếu là do các Sở, ngành cấp tỉnh, riêng việc cấp phép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trong đó, có vai trò quan trọng của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện mặc dù có tham gia trong hội đồng thẩm định, đánh giá nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Về vấn đề cấp phép, theo Khoản 2 Điều 82, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản”. Đối chiếu với quy định này, các mỏ đá tại khu vực Hang Cá, Núi Loáng, Lũ Mía thuộc mỏ đá Yên Lâm (theo quan sát của PV đều có trữ lượng lớn) liệu có phải là khu vực phân tán, nhỏ lẻ để được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường hay không?

Như vậy, việc khai thác không đúng chủng loại, tỷ lệ theo giấy phép giữa đá khối tận thu để xẻ (từ 3,5-9%) và đá làm vật liệu xây dựng thông thường (từ 96,5- 91%), gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí tài nguyên khoáng sản phải chăng có nguyên nhân không nhỏ trong quá trình thăm dò, thẩm định, đánh giá trữ lượng, tỷ lệ sản phẩm, cũng như xác định địa điểm, khu vực được cấp phép (như đã dẫn Luật Khoáng sản năm 2010) của các cơ quan cấp tỉnh.

Có thể đối với các mỏ đá Yên Lâm, thời điểm cấp phép, một số doanh nghiệp vẫn khai thác theo phương pháp truyền thống là nổ mìn nay đã được thay bằng phương pháp cắt dây, nên lượng đá khối tận thu để xẻ lớn hơn. Tuy nhiên nếu như thế, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa kịp thời kiểm tra, đánh giá lại để điều chỉnh giấy phép cho phù hợp. Sự chậm trễ này cùng với những bất cập trong công tác thẩm định, cấp phép, vô hình chung đã tạo nên những “lỗ hổng” khiến ngân sách Nhà nước thất thu.

Từ phản ánh của dư luận, vừa qua, căn cứ các quy định của tỉnh và Quyết định của UBND huyện Yên Định về công tác Giám sát hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn (Đề án 5040), Chi cục Thuế khu vực Yên Định – Thiệu Hóa đã tổ chức Đoàn liên ngành, tiến hành giám sát trực tiếp trong 15 ngày (từ 01-15/5/2022) tại 3 doanh nghiệp thuộc mỏ đá Yên lâm. Theo báo cáo của Đoàn giám sát, kết quả cụ thể như sau: Công ty TNHH Đá tự nhiên Nam Giang (Công ty Nam Giang), công suất khai thác 15.000m3/năm, trong 15 ngày đã khai thác 110m3 đá khối để xẻ (14,9%) và 640m3 đá xây dựng thông thường; Công ty TNHH Tuấn hùng (Công ty Tuấn Hùng), công suất khai thác 30.000m3/năm, trong 15 ngày đã khai thác 279m3 đá xẻ các loại (21,1%) và 1.005m3 đá xây dựng thông thường; Công ty TNHH Phúc Đạt (Công ty Phúc Đạt) công suất 30.000m3/năm, trong 15 ngày đã khai thác 60m3 đá xẻ (5,4%) và 1.050 m3 đá xây dựng thông thường.

Ngoài thực tế khai thác, báo cáo của Đoàn Liên ngành còn nêu: Việc giám sát thực tế thấp hơn công suất khai thác của 2 Công ty Tuấn Hùng và Phúc Đạt là do chuyển đổi công nghệ khai thác từ nổ mìn sang cắt dây, phải mở rộng mỏ để làm đường chuyển đá từ trên đỉnh núi xuống. Nhưng thực tế, máy móc, thiết bị, năng lực khai thác của 2 doanh nghiệp này chưa đáp ứng với công suất cấp phép.

Đáng lưu ý hơn, cũng trong báo cáo Đoàn giám sát còn có mục “sản lượng tối thiểu các doanh nghiệp phải kê khai năm 2022”. Theo đó, Công ty Nam Giang được giao sản lượng khai thác 2.200m3 đá xẻ (tỷ lệ 14,67%) và 12.800m3 đá xây dựng thông thường; Công ty Tuấn Hùng 5.400m3 đá xẻ (21%), 20.100m3 đá xây dựng thông thường. Đồng thời, ghi rõ “Kết quả giám sát là cơ sở để cơ quan thuế quản lý, theo dõi tình hình kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước hàng tháng của doanh nghiệp.

Với việc “yêu cầu” doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ khai thác đá xẻ từ khoảng 4-6% lên gần 15% đến trên 20% , một mức cao hơn 3-4 lần đối với tỷ lệ giữa hai loại đá trong giấy phép được cấp. Điều này càng cho thấy việc cấp phép khai thác đá là chưa phù hợp với thực tế trữ lượng các loại đá tại các mỏ.

Bên cạnh những bất cập, tồn tại trên, theo quan sát và ghi nhận của PV, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại mỏ đá Yên Lâm chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Cùng với đó là những dấu hiệu vi phạm các quy định, giải pháp về công tác bảo vệ môi trường cần được kiểm tra, khắc phục.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Một số hình ảnh về an toàn lao động và bảo vệ môi trường tại các xưởng sản xuất đá của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội làng nghề Đá Yên Lâm:

thanh hoa can lam ro nhieu bat cap tai cac doanh nghiep khai thac san xuat da tai thi tran yen lam
thanh hoa can lam ro nhieu bat cap tai cac doanh nghiep khai thac san xuat da tai thi tran yen lam
thanh hoa can lam ro nhieu bat cap tai cac doanh nghiep khai thac san xuat da tai thi tran yen lam

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích