Thanh Hóa: Áp dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nông sản

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), và hộ sản xuất áp dụng cơ giới hóa và khoa học công nghệ mới vào sản xuất, từ đó hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao chất lượng nông sản.

Sản xuất dưa vàng công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: baothanhhoa.vn

Một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới là Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, thị trấn Thiệu Hóa. Hằng năm, công ty đầu tư một nguồn kinh phí lớn cho nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật sản xuất. Với mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, công ty chú trọng rà soát nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất. Hiện nay, công ty đã chiếm phần lớn thị phần cung ứng gạo cho các địa phương trong tỉnh và đang mở rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Toàn bộ diện tích lúa gạo của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ba sản phẩm gạo Tâm An, gạo Tâm Bình và gạo Japonica của công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2021. Công ty phấn đấu tăng trưởng sản lượng sản xuất và tiêu thụ hơn 25% trong năm 2024.

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Người tiêu dùng hiện nay đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, buộc các doanh nghiệp, HTX phải trau dồi kiến thức, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố quan trọng để giữ vững vị thế và tạo sức bật cho doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận”.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn thuộc Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) cũng đã đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng hệ thống AI trong quy trình canh tác. Hệ thống AI này giúp kiểm tra, rà soát và cảnh báo các dấu hiệu bất thường, từ đó điều chỉnh kịp thời. Việc thu hoạch và vận chuyển cũng được điều phối qua ứng dụng thông minh, giúp tránh ùn tắc và sai lộ trình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thanh Hóa đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Các mô hình nông sản ứng dụng công nghệ cao đều đạt hiệu quả tốt về năng suất, chất lượng và lợi nhuận. Trung bình mỗi năm, các mô hình trồng trọt đạt lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha, chăn nuôi 500 – 600 triệu đồng/ha, và thủy sản từ 2 – 5 tỷ đồng/ha.

Xã Bãi Trành (Như Xuân) đã thành công với mô hình trồng ổi lê Đài Loan nhờ ứng dụng quy trình VietGAP. UBND xã đã hình thành các vùng chuyên canh ổi tập trung với diện tích hơn 11ha và hỗ trợ thành lập HTX Vĩnh Thịnh Như Xuân để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm ổi Như Xuân được gắn sao OCOP và mã QR truy xuất nguồn gốc, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc áp dụng tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000 đã giúp các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm, cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn tăng 15%/năm, và vi phạm an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm.

Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sự hài lòng và tin tưởng từ người tiêu dùng. Các sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu, gắn sao OCOP đều được kiểm tra, quản lý chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mẫu mã và tem nhãn. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và HTX, gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích