Thanh Hóa: 2 người mất tích, nhiều điểm sạt lỡ do mưa lớn kéo dài
Thanh Hóa: 2 người mất tích, nhiều điểm sạt lỡ do mưa lớn kéo dài
Tính tới thời điểm này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 người mất tích tại huyện Như Xuân và Quan Sơn, nhiều điểm trên các huyện miền núi sạt lỡ. nhiều nhà dân và diện tích hoa màu bị ngập úng.
Chiều ngày 28/9, theo thông tin từ UBND huyện Như Xuân cho biết: vào chiều 26/7, nhóm người trên cùng nhau vào khu vực khe Hận nằm trong Vườn quốc gia Bến En để đánh cá. Đến 2h sáng ngày 27/9, trên đường trở về anh Trường bơi qua suối thì bị nước cuốn trôi mất tích, 5 người còn lại do nước suối dâng cao, chảy xiết nên bị mắc kẹt lại trong rừng.. chiều 27/9, nhóm 5 người dân gồm Lê Phú Trình, Hà Văn Luyến, Lương Văn Đại, Lương Văn Tuấn và Hà Văn Duy đều trú xã Bình Lương, huyện Như Xuân bị mắc kẹt trong rừng đã tự kết bè vượt nước lũ trở về nhà an toàn.
Hiện nay lực lượng chức năng huyện Như Xuân cùng người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm anh Cao Ngọc Trường mất tích khi bơi qua dòng suối.
Cùng ngày, UBND huyện Quan Sơn cho biết: khoảng 13h chiều ngày 27/9 thời điểm trên, ông Lộc Văn Vương (SN 1979) và vợ là Lò Thị Thắng (SN 1978), trú bản Lầu, xã Sơn Hà trên đường đi làm ruộng về đã dùng cây luồng làm phao để bơi qua suối Chăng về nhà. Trong quá trình qua suối, nước lũ dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi cả hai vợ chồng đi khoảng 40m. Do vướng vào đá, cả hai người bị văng khỏi cây luồng. Ông Vương bơi được vào bờ, còn người vợ bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.
Hiện gia đình ông Vương và chính quyền địa phương đang tổ chức tìm kiếm người mất tích, đến sáng nay vẫn chưa thấy.
Báo cáo nhanh về công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tính đến thời điểm 17 giờ ngày 27/9 cụ thể: Do ảnh hưởng của rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với Áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến chiều ngày 27/9/2023 (tính đến 13h00 ngày 27/9/2023) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến đo được từ 150-200mm; một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như: Trạm KT Như Xuân (huyện Như Thanh) 281,6 mm; Trạm KT Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) 276,3 mm; Trạm KT Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) 247 mm; Trạm TV Lèn (huyện Hà Trung) và Trạm KT Yên Định (huyện Yên Định) 239 mm.
Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó mực nước sông Yên tại Trạm TV Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt mức BĐ1 (+2.00) m vào khoảng 11h00 ngày 27/9/2023; Tính đến 13h00 ngày 27/9/2023, mực nước các sông khác như: sông Cầu Chày (tại Trạm TV Xuân Vinh) đạt (+7.49) m, dưới BĐ1 0,51m; sông Chu (tại TV Bái Thượng) đạt (+14.58) m, dưới BĐ1 0,42 m và đang có xu hướng tiếp tục lên.
Tính đến 7h00 ngày 27/9/2023, Có 249/609 hồ chứa đầy nước (do Công ty KTCTTL quản lý có 53/84 hồ chứa đầy nước, do các huyện quản lý có 196/525 hồ chứa đầy nước); còn lại 360/609 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường. Số hồ chưa đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới là 28 hồ (16 hồ đang thi công; 12 hồ chưa thi công nhưng có mực nước dưới mực nước chết.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đơn vị liên quan; tính đến 17h00 ngày 27/9/2023, mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông và gây ra một số thiệt hại như sau: Sạt taluy dương tại 03 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên các tuyến QL.15C (01 vị trí), QL.217 (02 vị trí); Xói lở lề đường tại 05 vị trí trên tuyến QL.217B với chiều dài khoảng 40m3; Sa bồi mặt đường đường tại 08 vị trí trên tuyến QL.217B với khối lượng khoảng 70m3; Sạt lở đầu cống tại Km46+380, QL.217B với khối lượng khoảng 10m3; Sạt taluy dương tại 12 vị trí (tuyến ĐT.506 có 02 vị trí, ĐT.520D có 02 vị trí; ĐT.523E có 01 vị trí; ĐT.520D có 02 vị trí; ĐT.514 có 06 vị trí; ĐT.505B có 02 vị trí) với khối lượng khoảng 650m3, giao thông đi lại bình thường; Xói lở mặt đường tại 02 vị trí trên tuyến ĐT.520B, với chiều dài khoảng 100m, giao thông đi lại bình thường; Sa bồi mặt đường tại 50 vị trí (trên tuyến ĐT.506 có 02 vị trí; ĐT.523B có 03 vị trí; ĐT.516 có 08 vị trí; ĐT.523C có 10 vị trí; ĐT.522 có 13 vị trí; ĐT.516B có 09 vị trí), với khối lượng khoảng 320m3, giao thông đi lại bình thường; Xói lở lề đường tại 21 vị trí (trên tuyến ĐT.523B có 01 vị trí; ĐT.516 có 03 vị trí; ĐT.523C có 02 vị trí; ĐT.522 có 04 vị trí; ĐT.516B có 03 vị trí) với khối lượng khoảng 150m3, giao thông đi lại bình thường.
Diện tích lúa và cây trồng bị ảnh hưởng: Tính đến 17h00 ngày 27/9/2023, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, các khu vực ngập lụt đang được tiêu úng qua các Trạm bơm, các cống tiêu tự chảy; cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha; Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha; trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha.
Về nhà ở: 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất (huyện Thường Xuân); Diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập: 17,08 ha; Sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn (đê cấp IV) với chiều dài 10m; Tường rào bị đổ sập: 230m (huyện Như Thanh).
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ và các hình thái thiên tai khác do mưa lớn gây ra, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó, cụ thể như sau: UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 14417/UBND-NN ngày 27/9/2023 về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã ban hành 03 Công điện phát lệnh Báo động lũ trên các tuyến sông, cụ thể: Công điện số 05 hồi 6h00 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ1 trên sông Yên; Công điện số 06 hồi 14h30 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ1 trên sông Cầu Chày; Công điện số 07 hồi 14h30 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ2 trên sông Yên; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã ban hành 03 Công văn chỉ đạo ứng phó với thiên tai, cụ thể: số 90/PCTT,TKCN&PTDS ngày 26/9/2023 về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; số 91/PCTT,TKCN&PTDS ngày 27/9/2023 về việc vận hành chống lũ cho hạ du sông Chu; số 92/PCTT,TKCN&PTDS ngày 27/9/2023 về việc sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.
Sáng ngày 27/9/2023, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 03 Đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương, cụ thể: Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại huyện Nông Cống, Như Thanh; Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại các huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc; Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hoá.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị