Thành công nhờ đam mê ẩm thực truyền thống
Bén duyên với ẩm thực truyền thống
Trong tiết trời se lạnh đầu Đông, chúng tôi tìm đến nhà chị Phương Thảo – Chủ nhân của “Bếp dì 13” để tìm hiểu về mối duyên của chị với ẩm thực truyền thống. Trong căn bếp ngôi nhà 4 tầng nằm tại một con ngõ tại phố Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, chị Thảo đang làm đồ ăn tặng khách hàng để tri ân.
Chị Thảo tâm sự, đây không phải là lần đầu tiên chị khởi nghiệp với ẩm thực. Trước đó, chị từng dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho quán ăn có tên “Chuẩn cơm mẹ nấu rồi”. Quán ăn “Chuẩn cơm mẹ nấu rồi” nằm trên phố Linh Lang khi đó được nhiều người biết đến và có lượng khách ổn định. Nhưng vì một số lý do nên chị Thảo đã chuyển nhượng quán ăn cho người quen. Không từ bỏ đam mê với ẩm thực truyền thống, tháng 5/2020, chị Phương Thảo quyết định quay trở lại khởi nghiệp từ ẩm thực, và “Bếp dì 13” đã ra đời.
Chị Phương Thảo – Chủ nhân của “Bếp dì 13” đã khởi nghiệp thành công nhờ niềm đam mê ẩm thực truyền thống. |
Có thể nói, những kinh nghiệm nấu ăn từ đợt mở quán ăn trước đây đã giúp chị Phương Thảo thành công khi quyết định tái khởi nghiệp. Xác định “Bếp dì 13” sẽ tập trung chủ yếu vào các món kho, hầm, do đó, chị Phương Thảo đã mua những chiếc nồi gang to và dành riêng tầng 4 để làm nơi nấu nướng.
“Từ nhỏ, bố tôi đã dạy chúng tôi rằng phải ăn những món mình thích, mặc đồ người khác thích. Do đó, ngay từ nhỏ, tôi đã học cách nấu những món ăn mà mình thích. Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa từng học qua một trường lớp nào về nấu ăn. Toàn bộ kiến thức về ẩm thực đều là do tôi tự học hoặc “học lỏm” mọi người. Sau mỗi món ăn tôi thường nghiêm túc lắng nghe góp ý của mọi người để hoàn thiện món ăn ngon hơn” – Phương Thảo chia sẻ.
Cũng theo chị Thảo, sở dĩ chị có thể nấu được nhiều món ăn là do chị đam mê du lịch, đam mê khám phá các vùng miền của Việt Nam và các nước trên thế giới. Mỗi vùng miền, mỗi nước đều có những món ăn đặc trưng. Khi đến các tỉnh thành, Phương Thảo thường tìm các món ăn đặc sắc của địa phương đó để thưởng thức, qua đó, chắt lọc những món ngon để nấu cho bạn bè, người thân dịp liên hoan cũng như các dịp lễ, Tết… Các món ăn chị Thảo nấu đều được người thân, bạn bè yêu thích. Với mọi người, Phương Thảo chính là “Cuốn từ điển sống” về ẩm thực truyền thống.
Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp với ẩm thực truyền thống của chị Phương Thảo, dù có kinh nghiệm đứng bếp trên 5 năm, thế nhưng chị Thảo cũng gặp nhiều khó khăn khi tái khởi nghiệp với “Bếp dì 13”. Thời điểm khởi nghiệp đúng vào đợt dịch Covid-19 bùng phát, do đó, chị Thảo quyết định bán online thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội facebook. Việc bán hàng tại quán và bán hàng online có rất nhiều khác biệt, do đó, Phương Thảo học hỏi rất nhiều từ những người đi trước, bạn bè và qua các trang thông tin.
Sau một thời gian kiên trì đăng bài, giới thiệu những món ăn ngon bằng hình ảnh bắt mắt trên facebook, chị Thảo đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bạn bè. Dù chỉ bán hàng trên trang facebook cá nhân nhưng lượng đơn hàng của “Bếp dì 13” vẫn đều đặn, tất cả là nhờ những khách đến mua hàng thấy ngon và giới thiệu bạn bè, người thân tới mua. Với chị Thảo, “Bếp dì 13” chính là “trái ngọt” của niềm đam mê ẩm thực, sự ham học hỏi và dám nghĩ, dám làm.
Bí quyết nấu ngon nhờ thực phẩm tươi sạch
Xã hội càng phát triển, nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp lại càng được đề cao. Cùng với những món ăn du nhập từ nước ngoài, những món ăn truyền thống luôn được các gia đình Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, để có một món ăn truyền thống ngon mất nhiều khá nhiều thời gian, công sức, do đó, việc thưởng thức các món ăn truyền thống ngon, đúng vị là điều rất khó với những gia đình bận rộn, không có thời gian nấu ăn.
Món cá kho mang đậm hương vị đồng quê của chị Phương Thảo được khách hàng ưa chuộng. |
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, chị Phương Thảo đã thay họ làm những món ăn truyền thống. Những món chị nấu mang đậm chất dân gian như: Cá kho, thịt kho, tôm rang, cà muối, sung muối… đã “mê hoặc” khẩu vị của biết bao gia đình hiện đại tại Thủ đô. Minh chứng rõ nhất là món “Cá diếc kho tương”; “Thịt chưng mắm ruốc”’ “Tôm rang”… chị Thảo làm mỗi ngày đều không đủ bán cho khách. Sở dĩ các món ăn này được khách ưa chuộng là do quá trình tẩm ướp gia vị, nấu nướng khá cầu kỳ. Ví dụ với món cá kho, chị Thảo thường kho vào ban đêm. Sau khi ướp gia vị, chị Thảo cho cá vào nồi gang kho khoảng chừng từ 8-10 tiếng, món cá kho sẽ được để nguội, đóng hộp và cấp đông ngay sau đó để đảm bảo độ ngon của món ăn. Dù có lượng khách đông nhưng chị Thảo chỉ nấu một số lượng nhất định để đảm bảo cho ra những món ăn ngon, chất lượng.
Chị Thảo cho biết, dù nấu ngon hay không thì việc lựa chọn thực phẩm cho món ăn sẽ quyết định thành công hay thất bại của món ăn. Món ăn được nấu từ thực phẩm tươi, sạch thì đã thành công tới 70 -80%, dù nấu không ngon thì độ tươi của thực phẩm đã giữ được hương vị cho món ăn. Nhà sát chợ, nhưng chị Thảo chỉ mua một số nguyên liệu gia vị như gừng, tỏi, sả. Các nguyên liệu này cũng được chị Thảo lựa chọn loại ngon nhất. Để tiết kiệm thời gian nấu ăn, chị sẵn sàng bỏ thêm tiền để thuê người bán bóc hành tỏi thủ công để giữ mùi vị vốn có của gia vị, từ những chi tiết nhỏ này cũng đã tạo hương vị rất đặc biệt trong món ăn do chị Thảo chế biến.
“Nguyên liệu mình nhập làm các món ăn đều là những thực phẩm tươi sống, được lựa chọn kỹ càng, đặc biệt, không có nguyên liệu rẻ. Ví dụ như thịt lợn được mua từ Bắc Cạn; thịt gà mua ở Thái Nguyên; thịt bò từ Quảng Ngãi,… các loại thực phẩm này đều được cấp đông và hút chân không trước khi gửi để đảm bảo độ tươi, ngon. Các loại gia vị cũng được mình đặt mua tại các vùng đặc sản hoặc siêu thị để đảm bảo chất lượng, an toàn. Đặc biệt, đồ ăn của mình không dùng hóa chất, không dùng mì chính, đây cũng là điểm cộng của khách dành cho các món ăn của mình”- chị Phương Thảo bộc bạch.
Trong khi hàng loạt quán ăn, nhà hàng đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay dặt dè mở cửa bán hàng trở lại thì “Bếp dì 13” của chị Thảo vẫn hút khách hàng nhờ những món ăn dân dã đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mang về nguồn thu ổn định cho mẹ con chị Phương Thảo. Nói về định hướng tương lai, chị Phương Thảo cho biết, chị sẽ tiếp tục gắn bó với việc nấu các món ăn truyền thống, lan tỏa hương vị đồng quê tới các gia đình hiện đại không chỉ của Thủ đô mà còn các tỉnh thành khác. Hiện tại “Bếp dì 13” đang nhận được ủng hộ lớn của khách thông qua mạng xã hội facebook, tuy nhiên chị Phương Thảo cũng đã lên kế hoạch mở nhà hàng hoặc quán cà phê kết hợp bán đồ ăn mang về để tránh mất khách hàng khi facebook hạn chế tương tác hoặc gặp sự cố về công nghệ./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô